Niềm vui của lao động miền núi Quảng Nam trở về từ Hàn Quốc sau hợp đồng thời vụ với thu nhập cao. Ảnh: Lê Diễm
Đào tạo nghề, đưa lao động miền núi xuất ngoại
Từng là hộ cận nghèo, gia đình đông con, chủ yếu làm thuê kiếm sống, chỉ sau 2 năm làm việc tại Lào, cuộc sống gia đình anh Alăng Brắc (1986, ở xã La Dêê, huyện Nam Giang) đã đổi thay rõ rệt, nhà cửa khang trang hơn.
Anh Alăng Brắc chia sẻ: “Sau 3 tháng được đào tạo kỹ thuật chăn nuôi, tôi được Trường Cao đẳng THACO đưa sang nông trường bên Lào làm việc. Thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng, tôi gửi về cho lo cho gia đình, con cái ăn học”.
Tương tự, sau gần 6 tháng sang Lào làm việc, công việc của chồng chị Coor Kinh (dân tộc Cơ Tu, ở thôn Công Tơ Rơ, xã La Dêê, huyện Nam Giang) đã đi vào ổn định. Đều đặn mỗi tuần, chị Coor Kinh trò chuyện với chồng, qua ứng dụng Zalo.
“Hằng tháng, chồng đều gửi lương qua tài khoản ngân hàng nên cuộc sống của gia đình đỡ vất vả hơn trước rất nhiều. Qua thời gian tích cóp, vợ chồng mình vừa dựng nên ngôi nhà, tạo điều kiện ổn định cuộc sống lâu dài” – chị Coor Kinh tâm sự.
Theo ông Phan Tiềm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng THACO, từ năm 2022 đến nay, trường đã phối hợp với Trung tâm, Phòng LĐTBXH ở các huyện: Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Núi Thành tổ chức tuyển sinh, đào tạo và cung ứng gần 280 lao động cho các Khu liên hợp của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải tại Lào.
“Tùy theo vị trí công việc, nhà trường sẽ đào tạo lao động từ 1 đến 9 tháng. Sau đó, bố trí làm việc tại các nông trường với mức lương thử việc 7 triệu đồng, lương chính 8 đến 10 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, lao động được hỗ trợ tiền ăn và tham gia đầy đủ các chế độ bảo hiểm phúc lợi theo quy định” – ông Phan Tiềm cho biết.
Giảm nghèo bền vững
Sau 5 tháng làm việc tại quận Ham Yang (Hàn Quốc) theo diện hợp đồng thời vụ, vợ chồng anh Đinh Văn Thôi và chị Hồ Thị Tuyết (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) đã tích góp được số tiền hơn 350 triệu đồng.
“Chúng tôi rất phấn khởi vì chuyến đi thành công ngoài mong đợi, mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập được 75 triệu đồng, chủ thấy làm việc chăm chỉ nên thưởng thêm tiền sinh hoạt nữa” – chị Tuyết phấn khởi nói.
Theo UBND huyện Nam Trà My, năm 2024, địa phương có 90 lao động làm hồ sơ xuất cảnh làm việc có thời hạn ở nước ngoài, gồm: Làm thời vụ tại quận Hamyang (Hàn Quốc) theo thỏa thuận hợp tác giữa quận Hamyang và huyện Nam Trà My; làm theo hợp đồng lao động tại Ả-rập Xê-út và Liên bang Nga. Bình quân thu nhập của lao động xuất ngoại đạt 25-40 triệu đồng/tháng, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào miền núi.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, để giữ nguồn vốn cho người đi xuất khẩu lao động, tránh trường hợp người đi làm vất vả, còn người ở nhà thì tiêu xài hoang phí, huyện đã thống nhất với các hộ mở thẻ ngân hàng. “Mỗi tháng, 1 hộ chỉ được rút tối đa 4 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Nhờ đó, giúp người đi lao động ở nước ngoài trở về có vốn xây nhà, mua sắm và đầu tư làm ăn” – ông Dũng cho biết.
Còn theo thống kê của Phòng LĐTBXH huyện Nam Giang, từ năm 2022 đến nay, toàn huyện có gần 200 thanh niên đi lao động hợp đồng tại các nước Lào, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út… với mức thu nhập ổn định, giúp cuộc sống người dân được nâng lên rõ nét, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 35,58%.
Theo bà Trương Thị Lộc – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đưa 744 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 57,2% kế hoạch năm, thực hiện cấp mới, cấp lại, gia hạn 297 giấy phép lao động. Lao động xuất ngoại được chính quyền trợ lực bằng các lớp đào tạo nghề ngắn hạn, cho vay vốn ưu đãi để đáp ứng nhu cầu thị trường.