Mẹ chồng – nàng dâu thời nay – Kỳ 8: Thương mẹ chồng, vì mình cũng sẽ là mẹ chồng

Mẹ chồng – nàng dâu thời nay – Kỳ 8: Thương mẹ chồng, vì mình cũng sẽ là mẹ chồng

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 8: Thương mẹ chồng, vì mình cũng sẽ là mẹ chồng- Ảnh 1.

Tình yêu thương từ trái tim sẽ chạm đến trái tim – Ảnh: LÊ TỪ NGỌC SANG

Nhiều lần tâm sự, người con dâu tóc cũng đã điểm bạc trải lòng chân chất mà sâu lắng: “Tôi thương mẹ chồng, vì mình cũng sẽ là mẹ chồng…”.

Trục trặc ban đầu mẹ chồng – nàng dâu

Lấy chồng khi vừa 18 tuổi, bà Trần Ngọc Phi (48 tuổi, ngụ Lấp Vò, Đồng Tháp) không nhớ được mình đã bao đêm tủi thân, khóc thầm ngày mới về nhà chồng.

Vài năm đầu làm dâu là khoảng thời gian đầy khó khăn, bà từng nghĩ rằng tình yêu dành cho chồng không đủ lớn để có thể tiếp tục sống trong mái nhà đó, mái nhà mà bà đã từng nghĩ là của… người dưng.

Thời nghèo khó, dù không tiệc tùng linh đình nhưng ông Lê Tân (54 tuổi, cùng ngụ Lấp Vò, Đồng Tháp) cũng cố gắng chắt chiu từng đồng cho đến khi đủ tiền sắm được đôi bông tai vàng 24 rồi đường hoàng thưa chuyện với hai bên cha mẹ cho phải phép, hỏi cưới cô Phi làm vợ mình.

“Lúc gặp tôi, ổng hổng có gì, xòe ra hai bàn tay trắng” – bà Phi, người phụ nữ dù tóc đã điểm bạc nhưng với vẻ ngoài trẻ hơn tuổi không giấu được nét thẹn thùng khi nhớ lại chuyện yêu. Phe phẩy chiếc quạt mo, bà tâm sự: “Vừa chớm trưởng thành, ra đời là tôi yêu ổng, lấy ổng luôn. Khi đó ăn còn chưa no thì làm sao lo cho tới, lấy về rồi mới thấy cái cảnh khổ làm dâu. Mẹ chồng tôi không khó tánh nhưng cũng không để ý đến tôi, hồi mới về mẹ xem tôi như người dưng vậy đó”.

Bà Phi kể cách mẹ chồng bà lo lắng cho con trai (ông Tấn – chồng bà Phi) từ miếng ăn, chiếc áo hằng ngày đã vô tình nuôi lớn sự tủi thân trong bà. Dẫu biết đó chỉ là sự chăm sóc bình thường của một người mẹ, nhưng bằng tâm lý cũng bình thường của một cô gái mới lớn, lần đầu làm dâu đã khiến bà Phi cảm thấy mình lạc lõng như xa lạ.

“Một nắm xôi, múi mít mẹ chừa riêng cho ổng cũng khiến tôi chạnh lòng, không phải tôi tham ăn mà tôi thấy mẹ không xem tôi là dâu con trong nhà, rồi mấy lúc vậy tôi lại thấy nhớ nhà, nhớ má đẻ”. Bà Phi không nức nở, nhưng khóe mắt đã long lanh tự bao giờ.

Bà kể chuyện đó từ lâu bà đã không còn để trong bụng, chỉ nhớ những mâu thuẫn giữa bà và mẹ chồng từng xảy ra như cơm bữa. Đôi khi bà nấu nồi canh hơi ngọt miệng, chiên một con cá vàng không đều hai mặt cũng khiến mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ. Hay nhiều đêm thức khuya chăm con thơ, bà mệt, dậy trễ một chút cũng khiến mẹ chồng không vui rồi lại nhỏ to với con trai mình.

Ông Tấn ngày ngày lo làm lụng kiếm tiền bên ngoài, ra khỏi nhà khi mặt trời chưa mọc, lúc về nhà thì trời đã tối mịt, nhiều khi cũng không thấu được những xích mích vô hình giữa mẹ chồng và nàng dâu ở nhà.

“Phải chi mẹ rầy la như con cái trong nhà thì tôi không nặng lòng. Lại còn hễ có chuyện xảy ra thì ổng lại cằn nhằn, nói tôi hơn thua với mẹ chồng. Tôi đâu phải không nhường nhịn mẹ, mà tôi buồn vì chồng không bảo vệ mình, ổng là người hiểu mẹ hơn ai hết, vậy mà vẫn để tôi chịu thiệt thòi, uất ức”, bà Phi trải lòng.

Cảm thấy mẹ chồng không thương, chồng không thấu hiểu. Riết rồi, bà Phi cảm thấy ở trong mái nhà đó bà không còn ai để có thể nương vào ngoài đứa con gái ngây thơ đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Hồi đầu làm dâu, bà từng xếp áo quần, ôm con về nhà mẹ đẻ. Đó là những ngày nắng như rang, có khi là những đêm mưa như trút nước. Và hầu hết đó là những lần ông Tấn say rượu, đuổi bà ra khỏi nhà, trách bà không trọn phận con dâu.

Mẹ chồng - nàng dâu thời nay - Kỳ 8: Thương mẹ chồng, vì mình cũng sẽ là mẹ chồng- Ảnh 3.

Khi con dâu thương mẹ chồng cũng như mẹ ruột mình thì gia đình sẽ yên ấm, hạnh phúc – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tình thương đổi lấy tình thương

Tuy nhiên, chuyện phiền muộn rồi cũng trôi qua, tình thương đổi lấy tình thương. Bà Phi cũng dần hiểu mẹ chồng và ngược lại. Bà Tư Thanh, mẹ chồng bà Phi, từng đổ vỡ trong hôn nhân khi ấy đất nước còn khó khăn, và một mình bà phải tảo tần nuôi hai con trai (anh chồng và chồng bà Phi – PV) khi tuổi đời chỉ ngoài hai mươi.

Một thời gian dài sau, bà Thanh mới đáp lòng ông Định, một thương binh với chiếc chân giả. Tưởng chừng bà đã tìm được bến đỗ mới cho cuộc đời nhiều sóng gió, nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian. Vài năm sau, đôi mắt ông Định không còn nhìn thấy ánh sáng bởi di chứng chất độc da cam. Vậy là bà Thanh lại một lần nữa tảo tần, nuôi chồng nằm một chỗ và dạy dỗ hai người con trai, gánh nặng trên vai bà lại chồng thêm gánh nặng.

“Tôi dần hiểu đời mẹ cũng khổ quá, tôi không dám trách mẹ nữa, lúc đó tôi chỉ ước bà thương tôi một chút thôi…”, bà Phi vừa tâm sự vừa dìu mẹ chồng ngồi xuống chiếc phản bóng loáng trong phòng khách, nơi nhìn ra khoảng sân rộng rãi nhiều bóng mát.

Đáp lời con dâu, bà Thanh cười móm miệng, tay vỗ vỗ vào vai con: “Thì bây giờ tao thương bây nhứt nhà rồi còn đòi gì nữa. Sau này thì cũng vợ chồng bây ở cái nhà này, thờ cúng ông bà tổ tiên”.

Bà Thanh trải lòng rằng những ngày tháng mua gánh bánh bưng, nuôi hai con một mình khiến bà luôn đau đáu sợ con nhỏ thiếu ăn, thiếu mặc. Lại thêm chuyện hôn nhân từng không suôn sẻ khiến bà hoài nghi, sợ con trai mình thiệt thòi trong hôn nhân của nó.

“Có mẹ nào mà không thương con. Nói nào ngay, thời mới về, đúng là con Phi nó thiệt thòi nhiều bởi tôi… chưa kịp thương nó. Nói ra thì mắc cỡ, chứ tôi từng sợ thằng Tân thương nó hơn thương mình”, nói rồi cụ Thanh cười rần.

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng cái gì xuất phát từ tình thương sẽ chạm đến tình thương. Như mưa dầm thấm lâu, sự kiên trì trong việc muốn thấu hiểu mẹ chồng và nỗ lực vun vén gia đình từng ngày, từng ngày một của nàng dâu trẻ qua những lần xung đột, thậm chí đã tưởng chừng không cứu vãn được cuộc hôn nhân, cuối cùng cũng đã khiến mẹ chồng mình mềm lòng, thương lại.

“Hồi cưới về cho nó có đôi bông 24, vợ chồng nó cất đâu hổng biết. Cái lúc ông Định đổ bệnh, nó tự động lấy ra, đưa thêm hai chiếc cà rá của con Quỳnh (cháu nội cụ Thanh – PV) nữa, rồi nói mẹ bán đi lấy tiền lo cho ba, chừng nữa rồi vợ chồng con mần có tiền sắm lại mấy hồi, lúc đó tôi ứa nước mắt, nghĩ con nhỏ này nó lớn hồi nào mình hổng hay, giờ cũng biết lo, biết nghĩ”. Bà Thanh xúc động, lấy cái khăn mùi xoa thêu hoa đã bạc màu chấm nước mắt.

Nhắc chuyện xưa, bà Thanh kể có hồi biểu vợ chồng con dâu gói ghém tiền bạc cất nhà trên mảnh đất trống kế bên để vợ chồng con cái ở thoải mái, riêng tư, nhưng đôi vợ chồng cứ nấn ná, không chịu ra riêng, vì con dâu muốn gần gũi, chăm sóc cha mẹ chồng. Được thêm vài năm thì ông Định mất, bà Thanh sống với con với cháu đến giờ.

“Hồi ba còn, vợ chồng tôi đã không muốn bỏ ra riêng, ba mất rồi thì sao nỡ để mẹ sống một mình, từ lâu tôi đã coi mẹ như mẹ ruột mình rồi”, bà Phi nói lời từ trái tim.

Xa thì nhớ, gần nhau thì… rầy

Một chút ngượng ngùng ban đầu khi chúng tôi bắt chuyện nhưng rồi ông Tấn cũng thiệt tình thừa nhận, lập gia đình khi còn quá trẻ khiến ông chưa biết cách để dung hòa giữa bên tình và bên hiếu.

“Tôi chỉ muốn vợ nhường mẹ một chút, vì tôi hiểu bà là người nhân hậu, chỉ là bề ngoài hơi sắt đá nhưng lại thể hiện chưa đúng cách nên khiến vợ mình ấm ức thêm, vô tình làm cho mối quan hệ ban đầu giữa mẹ và vợ trở nên căng thẳng”, ông Tân ngẫm lại.

Ông Tân tâm sự thêm nói thì nói vậy nhưng sống riết thành quen, quen dần thành thương, những lần vợ chồng ông bất hòa, bà Phi bỏ về nhà mẹ đẻ, bà Thanh đứng ngồi không yên.”Vắng con dâu tầm một ngày là mẹ tôi đã chịu không nổi rồi, bà cứ đi ra đi vào rồi trách bâng quơ, nói không có con Phi nhà trống huơ trống hoác, biểu tôi đi vào trỏng đón nó về”, ông Tấn cười kể lại.

*************

Chuyện quan hệ mẹ chồng nàng dâu có nhiều khía cạnh cần tháo gỡ nếu xảy mâu thuẫn. Các chuyên gia chia sẻ rằng nếu có sự chân thành, tích cực, khoảng cách mẹ chồng nàng dâu sẽ rút ngắn và xóa nhòa định kiến.

>> Kỳ cuối: Mở rộng trái tim, không gì đúng sai triệt để