Dành thanh xuân đi xuất khẩu lao động nước ngoài, khi trở về là nỗi chán nản vì gia đình đã tiêu sạch tiền gửi về.
Trên đời có những chuyện chỉ nghe để biết và kể lại để cùng nhau lấy kinh nghiệm và rút ra bài học chứ không thể phân xử cùng đôi bên. Nhất là những chuyện liên quan đến tiền bạc, người thân trong gia đình.
Đó là câu chuyện đứa cháu của tôi, sau 5 năm bôn ba, bán sức lao động và thanh xuân ở nước ngoài, cháu đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản.
Gom góp tiền gửi về cho gia đình, đâu vào tầm quãng 1,2 tỷ đồng. Số tiền này cháu định sau khi về quê mua một miếng đất ngoài đường lộ lớn để mở cửa hàng, làm ăn.
Số tiền này cháu gửi về nhờ gia đình giữ dùm. Nhà bà chị tôi, từ ngày mang tiếng có con đi xuất khẩu lao động, nên ăn xài sang hẳn ra: mua xe máy mới, đồ nội thất mới.
Tôi biết rõ tiền này là tiền cháu dành dụm gửi về, dù người thân nhưng cũng không can thiệp được vì đèn nhà ai, nhà nấy tỏ. Mình nói ra nói vào lại mang tiếng nhiều chuyện.
Ngoài ăn xài, tôi còn biết rõ bà mẹ đem số tiền này giúp đỡ vốn cho hai cô con gái. Bây giờ, khi con trở về, cả nhà chỉ nói gọn lỏn: tiền đem đi đầu tư thua hết rồi.
Hãy thử tưởng tượng, khi nghe người thân nói câu đó, bạn sẽ làm gì? Còn đứa cháu tôi thì mất hết niềm tin vào người nhà. Kể chuyện này với các cậu, các dì thì ai cũng khuyên là nên bỏ đi, làm lại từ đầu. Nhưng làm bằng cách nào thì chẳng ai chỉ việc tận tay hay lên kế hoạch giúp cho được.
Trong những năm qua, xu hướng đi xuất khẩu lao động để kiếm một số vốn về làm ăn nổi lên. Nhiều người trẻ tham gia, gửi tiền về đóng góp cho gia đình và bản thân. Nhưng cũng có nhiều trường hợp gia đình ở nhà dùng đồng tiền không đúng mục đích, lãng phí tiền bạc, thanh xuân của người đi.
Ỷ lại, ăn xài là một trong những biểu hiện. Ngoài ra, còn có những câu chuyện mà người ở nhà, giữ số tiền tích lũy lớn trong thời gian dài, lại đâm ra sốt ruột, tìm mọi cách để chúng sinh lời, như chơi phường, hụi hay cho vay tiền rồi bị giật nợ. Vậy là thành quả bao nhiêu năm bôn ba của người thân bỗng chốc mất sạch. Dù có giải thích thế nào thì cũng khó nhận được sự chấp nhận, và đây sẽ là khúc mắc kéo dài cả đời.
Tốt nhất, dù là người thân đi nữa, nếu được nhờ giữ tiền dùm thì không nên tiêu dùng vào bất cứ mục đích gì nếu không được cho phép. Đừng bao giờ nghĩ là: “Bố, mẹ thấy để tiền chết thì uổng, nên đem đi đầu tư… ai ngờ bị gạt”.
Phúc T