Lương tối thiểu tăng 6%, thu nhập bình quân của lao động 8,5 triệu đồng

Lương tối thiểu tăng 6%, thu nhập bình quân của lao động 8,5 triệu đồng

Nhìn lại năm 2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền lương. 

Đặc biệt, cơ quan này tập trung vào thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tiền lương trong doanh nghiệp như điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng bình quân 6%.

Tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp cơ bản giữ được sự hài hòa và ổn định, các hoạt động đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, đời sống của người lao động được cải tiến. Điều này thể hiện qua tiền lương, thu nhập tăng 1,9 triệu đồng so với năm 2020.

Bên cạnh đó, ngành lao động cũng thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định.

Theo Tổng cục Thống kê, tình hình lao động, việc làm năm 2024 đã quay trở lại theo xu hướng phát triển bình thường như thời kỳ trước dịch Covid-19. Tính chung 9 tháng đầu năm, lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210.600 người so với cùng kỳ năm trước.

Lương tối thiểu tăng 6%, thu nhập bình quân của lao động 8,5 triệu đồng - 1

Thị trường lao động phát triển, thu nhập của người lao động tăng (Ảnh minh họa: Nguyễn Sơn).

Lao động có việc làm là 51,4 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 9 tháng đầu năm là 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 68,7%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 28,1%.

Như vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ước thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Nhìn chung giai đoạn 2021-2024, thị trường lao động có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lúc này, thị trường bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng, nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc lớn khiến cho số lao động có việc làm giảm mạnh; tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao…

Trong bối cảnh đó, cơ quan quản lý đã triển khai hàng loạt giải pháp nhằm thu hút lao động ngoại tỉnh quay lại thành phố làm việc; tập trung triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động…,

Đồng thời, các địa phương cũng đã chủ động thực hiện linh hoạt các phương thức sản xuất, có giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe, an toàn và đời sống cho người lao động.