Lương phi công Việt bằng 59% đồng nghiệp nước ngoài cùng hãng

Lương phi công Việt bằng 59% đồng nghiệp nước ngoài cùng hãng

Tiền lương tháng bình quân năm 2022 của phi công nội địa Vietnam Airlines là 85 triệu đồng, bằng 59% so với phi công nước ngoài cùng hãng.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung các Nghị định 20 và 87 về thí điểm quản lý lao động, tiền lương với một số doanh nghiệp nhà nước sắp được trình Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất cho Vietnam Airlines được bổ sung nguồn lương hàng năm để trả cho phi công Việt Nam, đảm bảo bằng 70-90% lương phi công nước ngoài cùng hãng.

Phi công Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Gia Chính

Phi công Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Gia Chính

Đề xuất đưa ra trong bối cảnh Vietnam Airlines đang “chảy máu” nguồn lực phi công do thu nhập thấp và quỹ lương không đủ bù đắp. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dẫn báo cáo của Vietnam Airlines cho biết năm 2022 hãng có 6.028 lao động, tổng quỹ lương theo đơn giá gần 1.700 tỷ đồng. Trong đó có 829 phi công Việt, 152 phi công nước ngoài (hãng ký hợp đồng cung ứng nhân lực với đối tác, không trả lương trực tiếp), 3.581 tiếp viên và lao động gián tiếp.

Lương bình quân của phi công nội địa 85 triệu mỗi tháng, chỉ bằng 59% so với lương phi công nước ngoài (145 triệu đồng). Đội ngũ phi công chiếm 19% lao động do Vietnam Airlines trả lương, nhưng chiếm gần 50% tổng quỹ tiền lương theo đơn giá. Lương tiếp viên lẫn lao động chuyên môn khoảng 19,5 triệu đồng.

Giai đoạn 2023-2025, đội ngũ phi công nội địa của hãng dự kiến tăng lần lượt 865-959 và 1.044 người với lương tháng tương ứng 115,6; 128 và 134,8 triệu đồng mỗi tháng. Lương phi công nước ngoài làm việc cho hãng lần lượt là 268,4; 273,7; và 279,2 triệu đồng mỗi tháng, theo cung cầu thị trường. “Như vậy, tiền lương bình quân của phi công người Việt giai đoạn này chỉ bằng 43-48% lương đồng nghiệp nước ngoài”, dự thảo nêu.

Chi phí đào tạo một phi công cơ bản vào năm 2015 khoảng 1,9 tỷ đồng. Ảnh: Anh Tú

Chi phí đào tạo một phi công cơ bản vào năm 2015 khoảng 1,9 tỷ đồng. Ảnh: Anh Tú

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tiền lương trước thí điểm của phi công nội đã thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp nước ngoài làm cùng hãng. Quỹ lương hiện hành không đủ bù đắp lương phi công trong nước. Cạnh tranh gay gắt khiến nhiều phi công rời bỏ Vietnam Airlines. Từ năm 2020 đến nay, 35 phi công Việt đã thôi việc, một số dự kiến thôi việc sau khi kết thúc hợp đồng.

Thiếu nhân lực, hoạt động bay bị ảnh hưởng, hãng có thể phải thuê thêm phi công nước ngoài. Ước tính chi phí thuê phi công nước ngoài 2,5 tỷ đồng mỗi người một năm, gồm tiền lương, thuê nhà, bảo hiểm, phí quản lý. Giả định mỗi năm Vietnam Airlines bị “chảy máu” 120-140 phi công nội địa thì chi phí phụ trội để thuê phi công nước ngoài thay thế là 300-600 tỷ đồng. Thuê mướn không dễ trong khi tiềm ẩn nguy cơ đình trệ bay do không đủ nhân lực phi công.

Từ thực tế trên, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng bổ sung nguồn lương cho Vietnam Airlines để giữ chân nhân lực chất lượng cao, ổn định bay là cần thiết. Theo tính toán, nguồn bổ sung dự kiến hàng năm 300 tỷ đồng để lương phi công nội địa bằng 70% phi công nước ngoài và 800 tỷ đồng nếu muốn đạt mức 90%. Nguồn bổ sung này phải căn cứ vào khả năng đáp ứng tài chính của hãng, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch được giao, không làm phát sinh thêm lỗ so với năm trước liền kề trong trường hợp lỗ.

Hồng Chiêu