Biên phòng – Những ngày này, về tỉnh Trà Vinh, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm gần 34% dân số), sẽ được lắng nghe những thanh âm rộn ràng và cảm nhận rõ hơn một luồng sinh khí mới đang bừng trỗi dậy ở nơi đây. Phum sóc hôm nay đã thật sự “thay da đổi thịt”, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có điều kiện phát huy nội lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Từ các nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Khmer xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh ngày càng khởi sắc. Ảnh: Phương Nghi
Hiệu quả các nguồn lực chính sách dân tộc
Theo ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg (chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020), Trà Vinh hỗ trợ đất ở cho 227 hộ, với 4,73ha; hỗ trợ đất sản xuất cho 648 hộ, với 86,61ha; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 9.352 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt cho 5.192 hộ; hỗ trợ 325 hộ có nhu cầu hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển kinh doanh, với tổng kinh phí trên 458,8 tỷ đồng.
“Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới, diện mạo phum sóc vùng dân tộc Khmer Trà Vinh ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày phát triển đi lên. Theo đó, kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, Trà Vinh còn 10.207 hộ nghèo (chiếm 3,56%) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó, còn 6.478 hộ nghèo người dân tộc Khmer (chiếm 7,19% so với số hộ dân tộc Khmer)” – ông Kiên Ninh nói.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện chính sách dân tộc, diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc Trà Vinh đang khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đã có bước chuyển biến tích cực. Ông Danh Phi Nê, người có uy tín cộng đồng ấp Tha La, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh phấn khởi nói: “So với trước đây, hiện nay, đời sống đồng bào Khmer đổi thay rất nhiều. Giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; điện, nước sinh hoạt về từng nhà; y tế, giáo dục phát triển vượt bậc; con em người dân tộc ngày nay là bác sĩ, kỹ sư… rất nhiều. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đời sống dân sinh được đầu tư nhiều hơn, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống đồng bào Khmer được cải thiện rõ rệt”.
Niềm vui của anh Thạch Nhựt khi được vay vốn ưu đãi mua bò để tăng gia sản xuất. Ảnh: Phương Nghi
Trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới được xây từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng, anh Thạch Nhựt, ấp Giồng Lức, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh phấn khởi nói: “Gia đình tôi vừa thoát nghèo. Trước đó, hai vợ chồng tôi đều là lao động tự do nên thu nhập rất bấp bênh, nhiều năm liền, gia đình sống trong căn lều tạm bợ, dột nát dựng tạm trên đất của cha mẹ. Khi được Nhà nước cấp 300m2 đất và cho vay 50 triệu đồng để xây nhà, vợ chồng tôi vui mừng khôn xiết. Ngoài ra, gia đình tôi còn được vay vốn ưu đãi mua 1 con bò trị giá 10 triệu đồng để tăng gia sản xuất”.
Còn chị Sơn Thị Sary, ở ấp Cầu Tre, xã Long Thới, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết: “Nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thật sự là phao cứu sinh cho gia đình tôi. Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, thông qua tín chấp của Hội Phụ nữ xã, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản. Số vốn đó cộng với nguồn vốn gia đình dành dụm, tôi đầu tư nuôi bò sinh sản, cải tạo đất để trồng cỏ nuôi bò và trồng màu chuyên canh. Đến nay, đàn bò của gia đình có 7 con, trong đó, có 4 con bò sinh sản, mỗi năm lợi nhuận trên 50 triệu đồng, gia đình tôi đã trả được nợ và thoát nghèo”.
Nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Trà Vinh ban hành, với 10 dự án thành phần, tổng mức vốn dự kiến là hơn 1.711 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương là trên 1.124 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 168,6 tỷ đồng và các nguồn vốn lồng ghép khác. Nguồn lực của chương trình ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào DTTS.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Sơn Thị Sary thực hiện mô hình nuôi bò và trồng cây màu chuyên canh đã giúp gia đình chị thoát nghèo bền vững. Ảnh: Phương Nghi
Kế hoạch đã xác định các chỉ tiêu cụ thể là nhựa hóa, bê tông hóa hoặc cứng hóa tối thiểu 208,89km đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, đời sống cho đồng bào DTTS; xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung; xây dựng, cải tạo nâng cấp 18 chợ (xây mới 3 chợ, cải tạo 15 chợ); hỗ trợ đất ở cho 91 hộ; nhà ở cho 846 hộ; chuyển đổi nghề cho 824 hộ; nước sinh hoạt phân tán cho 477 hộ, hỗ trợ xây dựng hơn 12 mô hình khởi nghiệp; đào tạo nghề cho 6.575 người; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở xã, ấp đặc biệt khó khăn…
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: “Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là Trà Vinh phấn đấu thu nhập của người DTTS đạt trên 80 triệu đồng/người/năm; giảm hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2022 – 2025 vùng đồng bào DTTS 3%; giảm 50% ấp đặc biệt khó khăn và không còn xã đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 99% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho đồng bào; người DTTS từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết thành thạo tiếng phổ thông trên 95%; 100% ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 80% ấp có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng…”.
Với việc thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, tỉnh Trà Vinh đã làm thay đổi nhận thức, tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp đồng bào DTTS từng bước thoát nghèo, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Phương Nghi