Tăng lương cơ sở, lương tối thiểu
Liên quan đến mức lương cơ sở được điều chỉnh lên 2,34 triệu đồng từ hôm nay, 1/7, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động cả nước, nhất là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vui mừng, phấn khởi trước thông tin này.
“Điều này góp phần cải thiện, nâng cao đời sống, tạo động lực cho đoàn viên, người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến”, ông Hiểu cho hay.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kỳ vọng trong thời gian tới khi điều kiện kinh tế – xã hội cho phép, sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ các nội dung cải cách tiền lương theo nghị quyết 27.
Bởi cải cách tiền lương tạo nên đột phá mới, để lương thực sự là nguồn thu nhập chính, đủ để nuôi sống người lao động và gia đình họ.
Ông Ngọ Duy Hiểu (Ảnh: Văn Quang).
Bên cạnh đó, ông Hiểu cho biết, như vậy sẽ thu hút cán bộ giỏi vào hệ thống tổ chức bộ máy, đặc biệt góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước.
Bên cạnh tăng lương cơ sở, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, hôm nay, cũng chính là ngày tăng lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp. Đây cũng chính là niềm vui chung của người lao động với mức điều chỉnh hằng năm.
Với mức tăng 6%, ông Hiểu tin rằng sẽ góp phần nâng cao đời sống của đoàn viên người lao động.
Tuy nhiên, vị này đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm chế gia tăng các mặt hàng thiết yếu nhất là giáo dục, y tế, xăng dầu… trực tiếp liên quan đến người lao động.
Đảm bảo đời sống cán bộ
Chủ tịch Công đoàn Y tế Phạm Thanh Bình cho rằng, tăng lương cơ sở 30% – mức cao nhất lịch sử – là sự nỗ lực, cố gắng của nhà nước. Đây là quyết sách kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Bởi nếu không tăng lương kịp thời thì đời sống cán bộ không thể đảm bảo.
Với ngành y, bà Bình cho biết số đơn vị hành chính là sự yên tâm rất lớn với mức điều chỉnh lương trên. Bên cạnh việc nhân viên y tế mong chờ, thì lãnh đạo trong các đơn vị tự chủ khá áp lực. Bởi, tăng lương phải xem xét đến nguồn lực thực hiện được đối với tất cả các cơ sở đang tự chủ.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Phạm Thanh Bình (Ảnh: Văn Quang).
Chủ tịch Công đoàn Y tế nêu thực tế hiện nay, giá viện phí mới được tính đầy đủ với dịch vụ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, 80% cơ sở y tế đang thực hiện theo giá dịch vụ với 4/7 yếu tố.
Trước thực tế trên, bà Bình đề nghị cần xem xét, cân đối lại với những đơn vị thực hiện tự chủ là hệ thống y tế dự phòng.
Bên cạnh đó, với các đơn vị tự chủ, vị này cũng đề nghị phải sớm ban hành giá, lệ phí đầy đủ yếu tố. Như vậy, các đơn vị mới có cơ sở trả lương theo mức điều chỉnh mới.
Hôm nay, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ 1/7, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Lương tối thiểu tháng vùng 1 là 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41; vùng 3 là 3,86 và vùng 4 là 3,45 triệu đồng.
Lương tối thiểu giờ của vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200; vùng 3 lên 18.600; vùng 4 lên 16.600 đồng.