Ông Đoàn Ngọc Ý, 70 tuổi, là một trong những thợ rừng nổi tiếng vùng núi Lớn, xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành. Lúc 15 tuổi, ông Ý đã theo cha lên rừng thu nhựa dầu rái.
Lúc đầu, ông Ý chỉ đủ sức đến những vạt dầu ở bìa rừng, nơi cách nhà chỉ hơn 1km. Lớn hơn, ông Ý theo cha băng rừng, len lỏi vào những rừng dầu rái tít tắp trên đỉnh núi. Có những chuyến đi kéo dài một tuần.
Trong những chuyến đi, ông Ý được cha dặn dò phải cố giữ rừng dầu là nguồn sống của cả làng. Cha mất, ông Ý tiếp quản rừng dầu hàng nghìn cây.
“Dân làng gọi những khoảnh rừng dầu của từng người là cội dầu. Hồi đó, cả vùng núi Lớn có khoảng 30 cội dầu. Những cội dầu đã nuôi lớn bao thế hệ người dân nơi đây”, ông Ý nói.
Rừng dầu mọc tự nhiên trên núi Lớn cách đây hàng trăm năm. Có những cây dầu cổ thụ cao gần 40m. Cây dầu rái khá đặc biệt bởi đặc tính sinh trưởng, cách lấy nhựa đến đặc tính chống thấm của nhựa.
Cây dầu khoảng 15-20 năm tuổi sẽ được “mở miệng” lấy nhựa. Người thợ dùng rìu chặt vào phần gốc cây với độ sâu khoảng 5-7cm. Năm đầu tiên, lượng nhựa tiết ra không đáng kể.
Đợi 1 năm sau, thợ rừng lại dùng rìu chặt vài lát mỏng ở phần “miệng” cây dầu. Tiếp đó, người thợ dùng lửa hơ vào vết chặt nhằm kích thích cây tiết ra nhựa. Thứ nhựa màu trắng đục tiết ra đọng nơi “miệng cây” sẽ được thu sau 3-5 ngày.
Mỗi năm, người làng núi Lớn thu nhựa cây trong 8 tháng. Những tháng còn lại là mùa mưa và mùa cây dầu ra lộc, phải dừng lấy nhựa.
Quả của cây dầu như chiếc dù, gió cứ thế mang đi rải khắp núi rừng. Nhờ đó mà rừng dầu phát triển nhanh, phủ xanh nhiều quả đồi. Ngày trước, rừng dầu càng lớn dân làng càng mừng bởi giá trị kinh tế nhựa cây dầu rái mang lại.
Ngồi trong căn nhà được xây từ 31 năm trước, ông Ý cho biết, lúc đó ông xây nhà hết 1,5 cây vàng. Nghe ông làm nhà, thương lái mang 1 cây vàng đến cho mượn.
“Nghe tôi làm nhà thiếu tiền nên thương lái mang một cây vàng đến cho mượn. Một cây vàng lúc đó giá trị lắm. Họ bảo cứ cầm mà làm nhà, không cần giấy tờ, chỉ cần ưu tiên bán nhựa cho họ là được”, ông Ý nhớ lại.
Theo ông Ý, nhựa dầu rái chống thấm rất tốt nên được mua để quét lên thuyền nan, thuyền thúng. Nhiều vùng dùng loại nhựa này quét lên vỉ tre làm mương dẫn nước. Nhờ vậy, nhựa cây dầu rái rất có giá trị.
Anh Đoàn Ngọc Thạch, con trai ông Ý, nói rằng lúc trước nhà nào sở hữu cội dầu đều có cuộc sống khá giả. Nhờ những cội dầu trên núi Lớn mà cha anh nuôi được 5 người con trưởng thành.
Anh Thạch là người được ông Ý chọn để giao lại rừng dầu. Từ khi còn nhỏ, anh đã được chỉ dạy nhiều thứ liên quan đến cội dầu.
Anh nhớ lại, mỗi chuyến đi rừng cha anh thu được 10 thùng nhựa dầu rái. Mỗi năm ông đi 20 chuyến. Một thùng nhựa có giá trị tương đương tiền công một người làm thuê trong 20 ngày.
“Hồi đó vật liệu nhân tạo chưa có nên nhựa dầu rái có giá trị cao. Dần dà về sau giá cả giảm, thương lái cũng ít thu mua nên nhiều người bỏ nghề”, anh Thạch nói.
Nhựa dầu rái dần mất giá, mỗi lít chỉ còn khoảng 20.000 đồng. Việc bám rừng không còn thuận lợi như trước kia. Anh Thạch bỏ nghề lấy nhựa dầu rái.
Anh Cao Thanh Hà, Trưởng thôn Trường Lệ, xã Hành Tín Đông, là người cuối cùng còn bám nghề lấy nhựa dầu rái.
Theo chân anh Hà, chúng tôi ngược núi tiếp cận rừng dầu cổ thụ. Bước vào rừng dầu, cái nắng gay gắt của tháng 6 biến mất. Cả khoảng rừng được tán dầu che chắn mát rượi. Bên cạnh những cây dầu, nước từ khe suối róc rách chảy.
Rừng dầu của anh Hà có những cây to phải 3 người ôm. Cây dầu cao vút, phần “miệng” ăn sâu vào 1/3 thân nhưng ít khi cây ngã đổ.
Anh Hà cho biết, rừng dầu rộng gần 600ha từng là nguồn sống của nhiều người bây giờ hầu như bị bỏ hoang. Riêng anh vẫn bám nghề “theo đơn đặt hàng”.
“Nhựa lấy về không ai mua nên nhiều người bỏ nghề. Anh tiếc rừng dầu nên vẫn cố bám trụ. Khi nào có người đặt hàng anh mới vào rừng lấy nhựa, cũng kiếm được 200 – 300 nghìn đồng một ngày”, anh Hà nói.
Người làng Trường Lệ không chỉ truyền cho con cháu những cội dầu, mà họ còn truyền lại ý thức bảo vệ rừng. Dù không còn mặn mà với nghề lấy nhựa dầu rái nhưng người làng vẫn xem việc bảo vệ rừng là nghĩa vụ. Nhờ vậy, lâm tặc chưa bao giờ dám đụng đến cánh rừng trăm tuổi trên núi Lớn.
Trầm ngâm nhìn về phía rừng dầu, ông Đoàn Ngọc Ý nói rằng, nhựa dầu rái mất dần giá trị khiến lớp trẻ bỏ nghề. Tuy nhiên, ông Ý không cảm thấy buồn bởi ý thức bảo vệ rừng vẫn được gìn giữ.
Rừng dầu rái cho những ngôi làng dưới chân núi nguồn không khí trong lành. Rừng giúp giữ nước, chính vì vậy những khe suối dưới tán rừng dầu rái chưa bao giờ cạn.
Nước ngầm ở vùng núi Lớn nhiễm phèn. Người làng phải dẫn nước từ khe suối trên núi Lớn về sử dụng. Nước sạch, mát lạnh, chẳng bao giờ cạn.
“Không lấy nhựa nhưng rừng dầu vẫn được bảo vệ, đó là điều đáng mừng. Còn rừng, còn nước cho dân làng. Vậy là vui rồi”, ông Ý cười vui.
Ông Đoàn Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, nói những cánh rừng xanh tốt là niềm tự hào của người dân xã Hành Tín Đông.
Nhiều thế hệ trước, người dân kết hợp việc khai thác nhựa dầu rái để bảo vệ rừng. Người dân ăn ngủ trong rừng dầu rái quanh năm. Với họ, cây dầu rái là nguồn sống nên chẳng lâm tặc nào dám đụng đến.
Bây giờ, nghề lấy nhựa dầu rái dần mai một nhưng những người trẻ vẫn nối tiếp thế hệ đi trước. Tổ bảo vệ rừng được thành lập, các chuyến tuần tra giữ rừng vẫn tiếp nối.
Tiếng rìu chặt vào thân cây lấy nhựa dầu rái không còn nhưng hơn 1.000ha rừng nguyên sinh ở xã Hành Tín Đông vẫn sừng sững theo năm tháng. Lúc trước, rừng dầu rái mang đến cho người dân cuộc sống sung túc. Bây giờ, rừng dầu giúp gắn kết cộng đồng.
“Lớp trẻ ở Hành Tín Đông sẽ tiếp tục gìn giữ những cánh rừng, bởi đó là niềm tự hào của cộng đồng dân cư dưới chân núi Lớn”, ông Sinh chia sẻ.
Nội dung: Quốc Triều
Thiết kế: Tuấn Huy
28/06/2024 – 04:25