Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì buổi làm việc với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội về kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 (Ảnh: Trần Hương).
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội trong buổi làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội hôm qua 16/2, nhờ các giải pháp ứng phó linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng, năm 2022 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội của Thủ đô đạt được nhiều kết quả tích cực.
Thành phố giải quyết việc làm cho 203.027/160.000 lao động, đạt gần 127% kế hoạch năm, tăng gần 23.400 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Cơ quan này đã chủ động tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành và triển khai công tác đào tạo nghề, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022.
Tính đến thời điểm cuối năm 2022, Hà Nội có 307 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp/dạy nghề và 125 doanh nghiệp, loại hình khác), chiếm 16,2% tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước. Tuyển sinh và đào tạo cho 252.286 lượt người (trình độ cao đẳng 32.329 người, trung cấp 27.350 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 192.607 người) – chiếm 10,3% tổng số lao động được tuyển sinh và đào tạo chung của cả nước.
Đáng chú ý, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội và các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã đã tiếp nhận và giải quyết trên 23.500 hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với kinh phí trên 85,5 tỷ đồng. Năm 2022, toàn thành phố đã chi 2.215 tỷ đồng cho công tác ưu đãi người có công.
Thành phố cũng vận động được 46,4 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đạt trên 200% kế hoạch. 100% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Năm 2022, thành phố Hà Nội giải quyết việc làm cho 203.027 lao động, đạt gần 127% kế hoạch năm, tăng gần 23.400 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021 (Ảnh: H.L).
Hà Nội hiện có trên 202.000 đối tượng bảo trợ xã hội và trên 2.800 người thuộc diện đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau…
Đồng thời giảm được 1.582 hộ nghèo, đạt trên 218% kế hoạch. Tính đến cuối năm 2022, toàn thành phố còn 22.263 hộ cận nghèo (chiếm 0,99% tổng số dân).
Năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội; phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo đúng cơ chế kinh tế thị trường, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực và hội nhập quốc tế.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, dù khối lượng công việc rất lớn nhưng Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả trong năm 2022, góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an sinh, an dân, an toàn xã hội và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội chung của Thủ đô.
Ông Sơn cho rằng các đề xuất của lĩnh vực lao động, người có công và xã hội thực sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn. Văn phòng UBND TP Hà Nội sẽ tổng hợp chi tiết nội dung, xây dựng kế hoạch triển khai, trong đó xác định rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp để kịp thời theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác lao động, người có công và xã hội.
Phó chủ tịch Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành liên quan tích cực phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.