Em đang bị bệnh hiểm nghèo, muốn lập di chúc để lại hết tài sản cho vợ con để sau khi em mất, họ được hưởng thừa kế nhanh và đơn giản nhất.
Em thấy nhiều trường hợp dù đã viết di chúc nêu rõ để lại toàn bộ tài sản cho một người nhất định, nhưng người hưởng thừa kế sau đó vẫn bị vướng mắc nhiều thủ tục, rất lâu mới được nhận tài sản hợp pháp.
Xin được tư vấn, những lưu ý khi làm di chúc (dành cho người lập di chúc), và khi hưởng tài sản thừa thế (dành cho người được hưởng tài sản, trường hợp này là vợ con em), để việc nhận thừa kế đơn giản nhất, không bị tranh chấp với ai, không vướng mắc hay bị tuyên vô hiệu.
Em cảm ơn rất nhiều!
Độc giả Đình Giới
Luật sư tư vấn:
Theo khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự (BLDS), di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
Đối với di chúc bằng văn bản, hiện pháp luật quy định có 4 hình thức là: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực (Bạn có thể tham khảo các điều 633, 634, 635 BLDS)
Dù 4 hình thức trên đều được pháp luật công nhận, có giá trị pháp lý như nhau nhưng trên thực tế việc khai nhận thừa kế (thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng) cũng như trước bạ, sang tên đối với di sản là nhà, đất (đăng ký biến động tại Văn phòng đăng ký đất đai) sẽ thuận lợi hơn nếu di chúc được công chứng hoặc chứng thực.
Một số trường hợp dù di chúc được công chứng, chứng thực nhưng việc khai nhận vẫn gặp khó khăn bởi nội dung di chúc không phù hợp với các quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Điều 644 BLDS quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo đó, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Quy định trên có nghĩa nếu di chúc không chỉ định cho họ được hưởng di sản thừa kế hoặc hưởng ít hơn mức quy định nói trên thì họ vẫn được hưởng thừa kế.
Chúng tôi ví dụ như sau:
Anh A có 100 triệu đồng. Hàng thừa kế thứ nhất của anh có 5 người gồm: bố, mẹ, vợ và hai con (đều đã trên 18 tuổi, có khả năng lao động).
Nếu anh A không để lại di chúc thì sau khi anh A chết, 100 triệu đồng sẽ được chia đều cho hàng thừa kế thứ nhất (5 người nói trên). Mỗi người sẽ được hưởng 20 triệu.
Tuy nhiên, nếu anh A lập di chúc để lại toàn bộ 100 triệu cho con trai cả mà không di chúc cho bố, mẹ, vợ và con út. Trường hợp này, mặc dù anh A chỉ di chúc cho con cả được hưởng nhưng bố, mẹ, vợ là những đối tượng được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào di chúc của anh A.
Theo quy định nói trên, mỗi người này vẫn được hưởng 13,33 triệu (2/3 của 20 triệu). Do vậy, sau khi chia thừa kế cho bố, mẹ, vợ thì anh A chỉ còn được hưởng số tiền là 60,1 triệu (100 triệu – 39,99 triệu).
Đối với trường hợp nói trên, khi khai nhận thừa kế thì bắt buộc phải có sự tham gia của bố, mẹ và vợ của anh A. Có thể, những người này từ chối hoặc nhận số tiền 13,33 triệu tùy theo nguyện vọng. Nếu vì một lý do nào đó mà họ không tham gia thì việc khai nhận thừa kế sẽ rất khó được thực hiện.
Ngoài ra, di sản thừa kế không chỉ là nhà đất mà còn là các tài sản khác như tiền gửi trong sổ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, phần vốn góp trong doanh nghiệp… Đối với những tài sản này, việc khai nhận thừa kế đòi hỏi giấy tờ chứng minh mà người nhận thừa kế có nghĩa vụ phải cung cấp cho tổ chức công chứng cũng như các tổ chức có liên quan như doanh nghiệp, ngân hàng khi đến nhận tài sản.
Trên thực tế, việc chia thừa kế luôn tiềm ẩn tranh chấp. Do vậy, việc khai nhận thừa kế phải đảm bảo đúng pháp luật, khách quan, trung thực (không giấu hàng thừa kế).
Pháp luật đặt ra các quy định chặt chẽ để không những bảo vệ ý chí (nguyện vọng của người chết) mà còn phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người thuộc diện thừa kế. Nếu quá trình khai nhận thừa kế mà thực hiện một cách tùy tiện thì có thể để lại những hệ lụy khó lường, tiềm ẩn tranh chấp khó giải quyết.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội