116.000 doanh nghiệp cần tuyển khoảng 1,9 triệu lao động năm 2024, trong đó nhu cầu lao động phổ thông 44%, theo Cục Việc làm.
Báo cáo tình hình thị trường lao động 5 tháng đầu năm, Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho hay nhu cầu tuyển dụng chủ yếu hướng về nhóm nhân lực không yêu cầu bằng cấp chứng chỉ, khoảng 836.000 người. Trình độ đại học và trên đại học chiếm 19%, khoảng 361.000 người.
Ngành công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn về nhu cầu lao động, gần 52%; trong khi dịch vụ chiếm trên 38% và nông lâm ngư nghiệp gần 10%. Điều này cho thấy làn sóng cắt giảm việc làm đã chấm dứt, đơn hàng quay trở lại, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động.
Giờ vào ca của công nhân may ở Đà Nẵng, tháng 6/2024. Ảnh: Nguyễn Đông
Thị trường lao động 5 tháng đầu năm tiếp tục đà phục hồi. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,24%, quay về mức bình thường như trước thời kỳ Covid-19. Trong đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất được ghi nhận vào quý III/2021 tới 3,72%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động đạt 7,6 triệu đồng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm gần 12%, còn 353.000 người trong khi cùng kỳ năm 2023 là hơn 397.500. Cả nước có hơn 14,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 1,7%.
Cục Việc làm nhận định tổng thể thị trường lao động duy trì đà phục hồi nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, chưa bền vững. Điều này thể hiện qua số doanh nghiệp rút lui tương đương số quay lại hoạt động và thành lập mới. Bình quân mỗi tháng 19.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tăng 10%, trong khi số mới thành lập và quay lại hoạt động đạt 19.800 doanh nghiệp mỗi tháng, tăng 4% so với cùng kỳ.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ tăng chậm, mới đạt 27,8%, trong khi đó vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Cả nước còn khoảng 1,4 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo, chiếm 11% tổng số thanh niên.
Hồng Chiêu