Qua thu thập thông tin, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, tiền lương thực trả bình quân của các doanh nghiệp trên địa bàn là 12,4 triệu đồng/tháng.
Mức lương bình quân cao nhất là tại các công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước. Mức lương thực trả tại nhóm doanh nghiệp này là 12,9 triệu đồng/tháng.
Mức lương bình quân thấp nhất là tại các doanh nghiệp dân doanh. Mức lương thực trả tại nhóm doanh nghiệp này là 12,2 triệu đồng/tháng.
Tiền lương thực trả cao nhất năm 2024 vẫn thuộc về nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiền lương cao nhất mà một người lao động tại nhóm doanh nghiệp này được trả là 863 triệu đồng/tháng, tức là hơn 10 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, tiền lương thực trả cao nhất ở nhóm doanh nghiệp dân doanh là 471 triệu đồng/tháng, hơn 5,6 tỷ đồng/năm. Ở nhóm công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 150 triệu đồng/tháng; ở nhóm công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 64,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sở hữu mức tiền lương trả cho người lao động cao nhất, sau đó đến doanh nghiệp dân doanh.
Vì vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TPHCM cũng dẫn đầu về mức thưởng Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cao nhất lần lượt là 1,8 tỷ đồng và hơn 1,9 tỷ đồng.
Nhiều địa phương đã công bố lương, thưởng Tết (Ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).
Từ báo cáo của 430 doanh nghiệp với 196.978 lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Ninh nhận thấy, tiền lương bình quân trong các loại hình doanh nghiệp có báo cáo là 9,578 triệu đồng/người/tháng.
Theo đó, mức tiền lương cao nhất thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 500 triệu đồng/tháng, tương đương 6 tỷ đồng/năm. Tiếp đó trong doanh nghiệp dân doanh, người lao động có mức lương cao nhất là 219 triệu đồng/tháng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước cũng cho biết mức lương cao nhất của địa phương là 400 triệu đồng/tháng, thuộc về doanh nghiệp dân doanh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tiền lương thực trả bình quân của những đơn vị báo cáo là 9,6 triệu đồng/tháng.
Trong đó, công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương là 10,8 triệu đồng/tháng.
8,5 triệu đồng/tháng là lương bình quân của doanh nghiệp có vốn góp, cổ phần chi phối của nhà nước. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dân doanh có mức lương là 9,8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, mức lương trung bình của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 9,4 triệu đồng/tháng.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, mức lương thực trả cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp là 391,334 triệu đồng/tháng. Mức lương này của người lao động trong doanh nghiệp FDI, ngoài khu công nghiệp.
Về thưởng Tết Dương lịch 2025, mức thưởng bình quân là 1,6 triệu đồng/người. Trong đó, mức thưởng cao nhất là 391,334 triệu đồng/người thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngoài khu công nghiệp. Mức thưởng này trùng khớp về mức lương của người lao động cao nhất trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá chung về tình hình lương, thưởng Tết, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trung bình mức tiền thưởng từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí vài chục triệu đồng.
Qua khảo sát từ các doanh nghiệp, vị này nhận thấy cũng có mức thưởng cá biệt lên đến hàng trăm triệu đồng thuộc về nhóm lao động kỹ thuật cao.
Ông Phòng nhận định, thưởng Tết 2025 sẽ cải thiện hơn năm trước. Đặc biệt, một số nhóm doanh nghiệp như dệt may, da giày, dịch vụ, logistics… sẽ có thưởng Tết khá.