Hiện nay, thị trường lao động tại TP.HCM phân nhóm nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật gồm: lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học trở lên.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 87%
Trong hệ thống giáo dục quốc dân thì giáo dục nghề nghiệp sẽ đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động (NLĐ). Năm 2024, TP.HCM đặt chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề đạt 315.000 người.
Sinh viên các trường nghề đến một sàn việc làm tại TP.HCM để nắm thông tin công việc
Ngoài nguồn cung ứng nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp, TP.HCM còn có lực lượng lớn NLĐ tốt nghiệp giáo dục đại học. Thống kê cho thấy tính đến hết tháng 4.2024, TP.HCM có lực lượng lao động hơn 4,9 triệu người. Trong đó, tổng số lao động đã qua đào tạo (tức là người có bằng cấp, chứng chỉ hay được người sử dụng lao động đào tạo và công nhận, quy định tại Nghị định 90/2019 của Chính phủ) là hơn 4,2 triệu người (chiếm tỷ lệ 87,27%, thuộc loại cao nhất cả nước).
Về cơ cấu lao động đang làm việc hiện nay, theo báo cáo quý 1/2024 của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM hồi cuối tháng 3, cho thấy có 29,45% lao động có trình độ đại học trở lên; cao đẳng chiếm 18,24%; trung cấp chiếm 12,9%; sơ cấp chiếm 13,61%; lao động phổ thông chiếm 25,8%.
Tuy nhiên, cán cân cung – cầu lao động phân nhóm theo trình độ chuyên môn kỹ thuật đang lệch pha. Trong những tháng vừa qua, tình trạng NLĐ đã qua đào tạo khó xin việc được ghi nhận gia tăng.
Nhu cầu tìm kiếm việc làm ở lao động đã qua đào tạo có tới 36.196 người, chiếm 97,21% so với tổng nhu cầu. Cụ thể, có 23.242 người tìm việc có trình độ từ đại học trở lên (chiếm 62,42%); cao đẳng có 4.721 người (chiếm 12,68%); trung cấp có 4.383 người (chiếm 11,77%); sơ cấp có 3.850 người (chiếm 10,34%). Các công việc có nhu cầu tìm kiếm ở nhóm lao động qua đào tạo tập trung ở một số vị trí như giám đốc bộ phận; quản lý điều hành chung; chuyên viên phân tích tài chính; nhân viên chính sách nhân sự; chuyên viên công nghệ thông tin; kỹ sư cơ khí; kỹ sư xây dựng; kế toán trưởng; kỹ sư môi trường; nhân viên marketing; nhân viên kế toán; chuyên viên marketing…
Còn nhu cầu tìm kiếm việc làm ở lao động phổ thông có 1.039 người, chiếm 2,79% tổng nhu cầu, chủ yếu ở các vị trí việc làm: nhân viên nhập liệu tại nhà; làm việc bán thời gian; giao nhận hàng, bảo vệ, lao động giản đơn trong ngành cơ khí, thợ hồ.
Căn cứ số liệu trên cho thấy, riêng NLĐ trình độ đại học đang rơi vào tình trạng “người tìm việc nhiều hơn việc tìm người”. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, từ tháng 1 – 5.2024, doanh nghiệp tuyển rất ít vị trí cho những ngành như báo chí – thông tin (tuyển 19 người), địa lý – đất đai (60 người), sư phạm – giáo dục (33 người), hóa chất – sinh học (6 người), luật (26 người), nông – lâm – thủy sản (36 người), văn hóa (20 người).
Trong khi đó, đơn vị cũng ghi nhận có tới 8.568 người tìm việc và các vị trí việc làm mà NLĐ muốn ứng tuyển lại trải đều trên các ngành, lĩnh vực. Ví dụ, có 250 người tìm việc ngành báo chí – thông tin, 285 người tìm công việc ngành địa lý – đất đai, 157 người tìm công việc ngành hóa chất – sinh học…
Ngoài ra, phân tích các số liệu của chuyên trang tìm việc và tuyển dụng Việc làm tốt (Chợ Tốt), NLĐ đã qua đào tạo lại có ít cơ hội việc làm hơn khi số vị trí tuyển dụng không có nhiều biến động trong nhiều tháng qua. Cụ thể, tính đến ngày 29.5, chỉ có 10,4% tổng số vị trí công việc đăng tuyển ở Việc làm tốt là dành cho NLĐ đã qua đào tạo và con số này giảm so với cùng kỳ năm 2023 (11,3%).
Nhu cầu nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật quý 1/2024
Nguồn: Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM
Nhu cầu tìm việc theo cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật quý 1/2024
Nguồn: Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM
Năng suất lao động thấp
Theo chị L.H.T (30 tuổi, phụ trách nhân sự ở một công ty chuyên về phát triển dịch vụ ăn uống tại Q.1, TP.HCM), hiện kinh tế chưa hồi phục hẳn, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn nên chọn cách tối ưu hóa nhân sự hiện có và nếu bắt buộc phải tuyển thêm thì sẽ cố gắng sàng lọc kỹ càng nhất có thể, bằng cách phỏng vấn, kiểm tra lần 2, lần 3, lần 4, thậm chí ép các phúc lợi với ứng viên.
Nhưng mặt khác, chị T. cũng nhìn nhận rằng một bộ phận lớn NLĐ hiện nay không cải thiện được nhiều và đột phá các kỹ năng cần có của thị trường. Do đó, họ sẽ càng khó khăn hơn để giữ hoặc có được vị trí tốt hơn.
“Đa số NLĐ đã qua đào tạo chưa có khả năng thật sự ấn tượng, ví dụ như chuyên môn chưa sâu hoặc khả năng quản trị chưa rộng, thiếu vốn ngôn ngữ. Nhóm này là khó khăn nhất, vì mọi thứ đang dịch chuyển lên về yêu cầu, nếu ở mức cao rồi thì NLĐ sẽ được săn đón, còn dưới mức đó thì dù họ có bằng đại học, cũng bị coi thành phổ thông”, chị T. nói.
Theo Th.S Lê Văn Thành, NLĐ đã qua đào tạo khó tìm việc thật ra đã được đặt vấn đề cách đây chục năm. Bằng cấp không thể đánh đồng với trình độ chuyên môn của NLĐ. Hiện nay, tỷ lệ NLĐ có bằng thì rất cao, nhưng lại không đáp ứng nhu cầu thực tế. Nếu trích từ Chiến lược lao động, việc làm năm 2023 – 2025 và tầm nhìn tới năm 2030 của TP.HCM mới được UBND TP.HCM phê duyệt hồi giữa tháng 5.2024, tỷ lệ NLĐ đã qua đào tạo chiếm rất cao trong cơ cấu lao động tại TP.HCM. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực lao động chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Chưa kể, năng suất lao động của địa phương rất thấp, tăng chậm và thấp so với bình quân của cả nước. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, năng suất lao động thành phố tăng 4,42%/năm, nhưng đến giai đoạn 2016 – 2020 thì tăng 4,31%/năm, thấp hơn 0,11% so với giai đoạn trước. Và tính cả giai đoạn 2016 – 2022 thì chỉ tăng 4,23%/năm. Trong khi đó, năng suất lao động bình quân của cả nước ở giai đoạn 2011 – 2015 là tăng 4,53%, đến giai đoạn 2016 – 2020 thì tăng 6,05%, cao hơn 1,52% so với giai đoạn trước. Và tính cả giai đoạn 2016 – 2022 tăng 6,71%.
Chiến lược lao động – việc làm này cũng nhìn nhận vấn đề đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa đáp ứng thực tiễn, thậm chí một số ngành nghề bị thiếu hụt như văn hóa truyền thống và văn hóa di sản, thiết kế vi mạch và các ngành ứng dụng công nghệ cao khác. Vì thế, một số chuyên gia cho rằng VN cần đánh giá các chính sách, điển hình là nguồn lực đổ về cho chính sách đào tạo nghề rất lớn, nhưng thật sự đã hiệu quả chưa?
Ở nhiều diễn đàn nhân sự hiện nay, hầu như mỗi ngày đều ghi nhận những câu chuyện khó tìm việc. Ngày 31.5, anh Lưu Dũng đăng dòng trạng thái trong một nhóm “Hội review công ty…” với hơn 300.000 thành viên, nói anh có kinh nghiệm kinh doanh bán hàng 5 năm và tuyển dụng – đào tạo 2 năm. Khi tìm việc, dù đã mở rộng các vị trí nghề nghiệp sang khối hành chính và nhân sự và cố gắng rải CV (hồ sơ) trên nhiều kênh, nhưng 2 tháng qua, anh vẫn thất nghiệp. Trường hợp của anh Lưu Dũng không phải là cá biệt. Bằng chứng là có hàng trăm bình luận đồng cảm với anh Dũng ở dưới bài viết.