Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn thiện dự thảo luật Việc làm (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý được cơ quan soạn thảo đề xuất, bổ sung quy định về trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng chưa hưởng lương hưu.
Lao động chưa hưởng lương hưu có được nhận trợ cấp thất nghiệp không?
Theo quy định hiện hành, có 2 trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng nhưng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là: đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Tại dự thảo luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thêm các trường hợp không được nhận trợ cấp, gồm: người bị sa thải hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc; người hưởng lương hưu; lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
Góp ý về nội dung này, các địa phương Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Long An đều đề nghị quy định rõ trường hợp “người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu”.
Trong khi đó, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) còn đề nghị loại bỏ quy định “người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu” không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Phản hồi góp ý trên, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị vẫn giữ nguyên như dự thảo với lý do, nhằm loại trừ các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu, tức điều kiện đủ về số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và đủ tuổi theo quy định của luật BHXH, nhưng chưa có nhu cầu hưởng chế độ hưu trí.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và bổ sung theo hướng quy định “người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc”.
Lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
Một nội dung khác trong dự thảo cũng nhận được ý kiến góp ý là đề xuất trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc (trừ các trường hợp được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước theo quy định bộ luật Lao động) sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Bộ TN-MT; UBND các tỉnh Bình Dương, Nghệ An; Sở LĐ-TB-XH các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên; Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại luật Việc làm 2013.
Các Sở LĐ-TB-XH Quảng Ninh, TP.Hải Phòng, AmCham Việt Nam, Công ty Canon cũng đề nghị giữ nguyên quy định người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật, vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua tổng hợp ý kiến của các cấp công đoàn, đa số các đơn vị được lấy ý kiến đồng tình với việc người lao động nghỉ việc đúng pháp luật được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho họ khi nghỉ việc, đảm bảo quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động.
Giải trình về vấn đề trên, Bộ LĐ-TB-XH tiếp tục đề nghị giữ nguyên như đề xuất của dự thảo luật. Cơ quan soạn thảo cho rằng cần phân biệt về lý do chấm dứt hợp đồng lao động nhằm loại trừ được các trường hợp người lao động bị sa thải do vi phạm pháp luật hoặc điều lệ công ty (phá hoại, tự ý bỏ việc,…) để thực sự hỗ trợ cho người lao động gặp rủi ro về việc làm, hạn chế việc lạm dụng chính sách.
Cơ quan soạn thảo tiếp thu và dự kiến sửa đổi theo hướng quy định về các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo quy định bộ luật Lao động; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của luật Viên chức không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Hiện dự thảo luật Việc làm đang được Bộ Tư pháp thẩm định và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 10 tới.