Lao động chân tay xuất khẩu và 10 tỷ USD kiều hối

Lao động chân tay xuất khẩu và 10 tỷ USD kiều hối

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak, một luận điểm của ông làm tôi ấn tượng. Được hỏi, ông sẽ khuyên Việt Nam làm gì để phát triển nhanh và bền vững, ông đáp: “Lời khuyên duy nhất của tôi là các bạn phải chú trọng vào giáo dục”.

Ông nói thêm, có “khát vọng” chỉ là một điều kiện cần thôi, còn điều kiện đủ là phải hành động và vì thế, chất lượng con người là quan trọng nhất.

Tôi không thể không đồng tình với lời khuyên của ông.

Chất lượng lao động “chưa cao” trở thành điệp khúc

Từ lâu, chất lượng nguồn nhân lực đã được xác định là một trong các nút thắt cản trở sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hội nhập sâu sắc, lao động di chuyển tự do, cách mạng 4.0 và những tác động nhanh, ngay của thế giới, nguồn nhân lực có chất lượng cao đang trở thành sự đòi hỏi gay gắt của cả xã hội, của mọi ngành, các tổ chức.

Đó là chưa nói đến chất lượng nguồn nhân lực cao cần có trong hệ thống nhà nước để công tác hoạch định và thực thi chính sách tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển của người dân và doanh nghiệp.


Người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm. Ảnh minh họa

Gần đây, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 08/5/2012 về công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 10 năm qua, số thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài đã tăng lên 25, hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đã đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước, tạo việc làm cho 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Thu nhập của người lao động làm việc ở nước ngoài bình quân 200 triệu đồng/người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề; người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD/năm.

Phải khẳng định rằng, những số liệu như trên là rất ấn tượng, cho thấy chủ trương gửi người Việt Nam ra nước ngoài đã mang lại nhiều mối lợi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận: chất lượng lao động chưa cao, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp, số lượng lao động chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều và cũng chỉ tại một số thị trường kém hoặc đang phát triển.

Đó là điểm then chốt mà tôi muốn nói.

Lao động tay chân và mức thu nhập còm cõi

Vì sao người Việt Nam khi ra lao động ở nước ngoài phần lớn là có tay nghề thấp? Hay nói cách khác, chúng ta ra nước ngoài làm lao động chân tay là chính như giúp việc, công nhân xây dựng, công nhân trong nhà máy chứ ít vươn lên thành kỹ sư, chuyên gia tài chính, tin học, quản trị doanh nghiệp…

Cựu Thủ tướng Ehud Barak: Israel tìm mọi cách để phát hiện, chăm sóc từng nhân tàiCựu Thủ tướng Ehud Barak: Israel tìm mọi cách để phát hiện, chăm sóc từng nhân tàiXem ngay

Mặc dù vậy, với mức thu nhập 200 triệu đồng/năm, những người lao động ở nước ngoài đã vượt trội so với trong nước. Thu nhập bình quân một người/tháng năm 2021 đạt hơn 4,2 triệu đồng ở trong nước; thu nhập bình quân một người/tháng năm 2021 ở khu vực thành thị đạt gần 5,4 triệu đồng, cao gấp gần 1,5 lần khu vực nông thôn (gần 3,5 triệu đồng), theo Tổng cục Thống kê.

Rõ ràng, khoản thu nhập của người lao động nước ngoài tương phản quá xa so với trong nước. Thử đặt câu hỏi, vì sao người Việt Nam ta phải ra nước ngoài lao động mới có thu nhập cao và vì sao người lao động trong nước có thu nhập kém đến như vậy?

Để dễ hình dung, xin nêu lại thực tế là mức lương tháng của bộ trưởng cũng chỉ tròm trèm 15 triệu đồng trong khi lương tháng của công chức mới ra trường chỉ vỏn vẹn hơn 3 triệu đồng.

Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ mới ở mức 25% và không thay đổi nhiều năm nay. Nhìn khắp các ngành, đặc biệt ở các ngành thâm dụng lao động và đang có lợi thế như may mặc, giày dép, lắp ráp điện tử… người lao động chỉ loay hoay ở khâu gia công, lắp ráp, tức là ở đáy của chuỗi sản xuất. Nếu không vươn lên các nấc trên của chuỗi giá trị, chúng ta liệu chỉ chấp nhận làm thuê hay sao?

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng vốn con người của Việt Nam chưa được sử dụng hiệu quả. Điểm Chỉ số vốn con người của Việt Nam giảm đáng kể, từ 0,69 xuống 0,37, phản ánh số lượng công việc chất lượng cao còn hạn chế – hay tiềm năng vốn con người của đất nước sử dụng chưa hiệu quả. Công ăn việc làm chủ yếu vẫn đòi hỏi tay nghề thấp và trung bình.

Vẫn theo WB, năm 2021, chỉ có 9% nghề ở nước ta đòi hỏi tay nghề cao. Trong khi đó, các công việc đòi hỏi tay nghề cao chiếm hơn một nửa số nghề nghiệp ở Anh và tới hơn 65% tại Singapore.

Những số liệu này rất quan trọng, bởi để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao đòi hỏi phải chuyển đổi cơ cấu việc làm sang các hoạt động năng suất, thâm dụng kiến thức và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Các hoạt động đó yêu cầu sử dụng kỹ năng ở mức độ cao, như giải quyết vấn đề phức tạp, đưa ra quyết định, sáng tạo và giao tiếp hiệu quả. Các công việc trong ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao là yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển với mức thu nhập cao hơn.

Từ lời khuyên của cựu Thủ tướng

Viết ra một vài khía cạnh về nguồn nhân lực, tôi lại nhớ tới lời khuyên của ông Edhud Barak. Ông kể về cách người Israel tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài rất ấn tượng. Trẻ em bắt đầu học đọc và viết khi mới 3 tuổi, đến 6 tuổi khi bắt đầu quá trình học bắt buộc, chúng đã đọc thông viết thạo.

Người Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao độngNgười Việt cần vươn lên làm chủ nhìn từ bất lợi thâm dụng lao độngXem ngay

Chính phủ chọn 3-6 học sinh xuất sắc lớp 12 trên toàn quốc để lấy tầm 20.000, trong đó khoảng 500 người giỏi nhất được chọn vào quân đội. Trong số 500 người này, họ lại chọn tiếp được 50 người giỏi nhất.

Sau 3 năm được đào tạo đặc biệt ở đại học, những người này sẽ phục vụ trong các cơ sở đặc biệt, các phòng thí nghiệm hàng đầu của quân đội tiếp 6 năm. Tức là sau 9 năm, họ sẽ có bằng tiến sỹ và trở thành chuyên gia hàng đầu. “Họ là những thiên tài, vì vậy, chúng tôi nuôi dưỡng họ và chăm sóc từng cá nhân”.

Ông Barak nói thêm, ở Israel luôn khuyến khích sự phản biện, học sinh phản biện thầy giáo. Đến ông ấy làm tướng cũng có thể bị lính trẻ chất vấn. “Chúng tôi có một nền văn hóa khuyến khích sự sáng tạo, sự đổi mới và tôn trọng những người có năng lực cao hơn, có trí tuệ xuất sắc hơn”, ông nói.

Người Israel không coi thất bại là gánh nặng vì khi thử nghiệm những điều mới, bạn không thể tránh khỏi thất bại. Nhờ có thất bại, bạn mới rút ra nhiều bài học để làm việc tốt hơn cho lần tiếp theo.

Có lẽ, những điểm mấu chốt này trong sử dụng con người đã quy tụ được người Do Thái từ 70 quốc gia về Israel lập quốc trong nhiều năm. Nhờ đó mà sau 75 năm lập quốc, Israel đã trở thành quốc gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, công nghiệp, nông nghiệp, quốc phòng. Đó là kỳ tích.

Ở Việt Nam, vấn đề bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài đã được thảo luận nhiều; không ít chính sách đã được đưa ra nhưng chưa thành công. Song, từ kinh nghiệm của Israel mà ông Barak kể lại, có lẽ chúng ta sẽ học hỏi được nhiều, không chỉ trong sử dụng nhân tài, mà còn trong việc nâng cao hiểu biết, trình độ và tay nghề cho người Việt chúng ta.