Làng trầu Vị Thủy lắng đọng hồn quê

Làng trầu Vị Thủy lắng đọng hồn quê

Biên phòng – Trong đời sống, trầu cau thường được thấy trong các lễ hội, ngày Tết, đặc biệt là không thể thiếu trong hôn lễ của các đôi lứa yêu nhau… Hiện nay, ở huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) vẫn còn một làng trầu xanh mướt, âm thầm giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống miền Tây Nam Bộ giữa thời hiện đại.


Bà Phan Thị Sáng xếp lại thành ốp giao cho thương lái. Ảnh: Phương Nghi

Cách trung tâm thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang khoảng 10km là đến ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, đâu đâu cũng thấy những nọc trầu được xếp thành hàng, tạo nên những vườn trầu xanh bát ngát. Làng trầu Vị Thủy nổi tiếng từ lâu đời, hiện có trên 230 hộ trồng trầu với diện tích trên 32,5ha, tập trung nhiều nhất ở ấp 5 và ấp 7. Người trồng nhiều nhất vài ngàn nọc trầu, còn ít nhất cũng vài trăm nọc, xen với vườn cây ăn trái. Có dịp đến vườn trầu Vị Thủy với hàng ngàn nọc trầu thẳng băng, lá xanh mơn mởn phảng phất chút vàng óng ả, trông thật đẹp mắt, mướt mát làm say mê lòng du khách.

Bà Cao Thị Năm (83 tuổi), ở ấp 5, xã Vị Thủy – một trong những người trồng trầu lâu năm ở đây cho biết: Khi còn nhỏ, nhà đã có sẵn vườn trầu. Đến đời tôi cho tới con cháu sau này cũng đều trồng trầu. Trầu Vị Thủy là trầu vàng, hương vị cay nồng, được nhiều người ưa thích. Sau 3 – 4 tháng xuống giống, dây trầu sẽ bắt đầu cho lá, cứ 10 ngày hái một lần. Thông thường, thương lái đến tận nhà thu mua trầu chở đi các nơi giao lại cho bạn hàng ở các tỉnh. “Với giá trầu hiện nay, thương lái thu mua giá 3.500 – 4.000 đồng/ốp (40 lá). Đặc biệt, trong dịp tết, giá trầu lên đến 15.000-20.000 đồng/ốp, người dân phấn khởi lắm, vì vậy, làng trầu ở đây vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Trồng trầu không những có thu nhập ổn định, mà gia đình xem cây trầu như loại cây truyền thống của gia đình mình, cứ thế trồng từ đời này sang đời khác” – bà Năm nói.

Người trồng trầu thường thu hoạch trầu vào lúc sáng sớm. Khi đến lứa hái, thợ hái trầu sẽ lựa những lá trầu bóng mượt, vừa chín tới vàng óng, số lá còn lại sẽ hái đợt tiếp theo. Trồng trầu phải làm giàn để hái lá trên cao, khi ngọn vượt khỏi giàn thì cắt bỏ… Nói đến cách trồng, bà Phan Thị Sáng, một chủ vườn trầu ở ấp 7, xã Vị Thủy chia sẻ: “Muốn có được một ốp trầu, người trồng phải trải qua nhiều công đoạn: mua hom giống, chọn cây làm nọc, khai mương, đơm gốc, tưới nước, hái trầu rồi xếp lại thành ốp, gọi là liễn trầu, tức xếp những lá trầu thành chục (chục có khi 10, có khi 16 hoặc 20…), sau đó, xếp thành trăm rồi thành thiên trước khi giao cho thương lái”.

Để giữ gìn, phát triển làng trầu – nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng, năm 2020, Hợp tác xã Trầu Vàng được thành lập, đồng thời, trong năm 2020, tỉnh Hậu Giang công nhận làng trồng trầu ở ấp 5 và ấp 7, xã Vị Thủy đạt chuẩn làng nghề truyền thống của tỉnh.


Bà Cao Thị Năm hái trầu vào lúc sáng sớm. Ảnh: Phương Nghi

Ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng (ấp 5, xã Vị Thủy) cho biết: Tuy có truyền thống lâu đời, nhưng trầu phát triển mạnh từ khoảng 20 năm trở lại đây. Tuy lá trầu trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng người dân nơi này vẫn quyết tâm gìn giữ. Nhiều hộ dân có của ăn của để, tích góp mua được đất đai, xây dựng nhà cửa khang trang, con cái ăn học thành tài cũng nhờ vào cây trầu. Nhờ vậy, bà con ấp 5 chúng tôi vẫn quyết giữ cây trầu dù có khó khăn, vì vườn trầu trước sân, sau sân nhà đã là hình ảnh quen thuộc đối với người dân xứ này rồi, không thể thiếu được. “Ngoài việc cải thiện đời sống của người dân, cây trầu còn góp phần đáng kể tạo việc làm cho lao động địa phương. Trung bình, để chăm sóc 1ha trầu, đòi hỏi 3 – 5 lao động làm việc liên tục để tưới nước, bón phân, cắt cành… Khi thu hoạch, cần khoảng 15 người hái trầu và sắp xếp lá trầu trước khi đem đi tiêu thụ” – ông Đời chia sẻ thêm.

Anh Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch UBND xã Vị Thủy cho biết: “Những ai có dịp đi ngang qua làng trầu Vị Thủy, nhìn thấy những giàn trầu óng mượt đều muốn vào chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn. Ai nấy đều trầm trồ khen vẻ đẹp làng quê Vị Thủy. Với lợi thế này, Vị Thủy đã lập kế hoạch liên kết với các công ty du lịch để quảng bá, thu hút du khách, qua đó, giúp nông dân ở đây phát triển kinh tế. Ngoài để ăn, dùng cúng trong các dịp lễ, trầu cũng là một loại dược liệu được nghiên cứu chiết xuất tinh dầu ứng dụng trong sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm”.

Ngày nay, còn rất ít người ăn trầu nên hình ảnh cây cau, dây trầu đã dần dần mờ phai. Nhưng tại làng trầu Vị Thủy, vẫn còn đó những vườn trầu vàng ươm, mướt mát làm say mê lòng du khách.

Phương Nghi