Nướng bánh bông lan truyền thống bằng bếp than. Ảnh: laodong.vn
Nghề làm bánh ngọt
Với nghề làm bánh ngọt truyền thống, chị Nguyễn Thị Tú Trinh, ở huyện Giồng Riềng có thu nhập từ 350 đến 400 triệu đồng/năm, chị Trinh là đời thứ 3 kế thừa nghề làm bánh từ mẹ đến nay đã được 20 năm. Để cải thiện kinh tế gia đình, chị Trinh chọn theo nghề làm bánh của ông bà vì nghề làm bánh là nguồn kinh tế chính của gia đình và phần khác, đây là món bánh truyền thống của quê hương. Mỗi ngày, chị Trinh làm mấy loại bánh khác nhau như: bánh bò xốp, bánh bò rễ tre, xôi, chè… và nhiều loại bánh khác được khách hàng ưa chuộng.
Chị Nguyễn Thị Trinh chia sẻ: “Tôi làm được rất nhiều loại bánh, mỗi loại bánh truyền thống lại cho một kinh nghiệm khác nhau như làm bánh bò xốp thì trước tiên phải chọn nguyên liệu, nhất là gạo, màu sắc chọn từ lá dứa, quả gấc, lá cẩm để tạo màu, không dùng phẩm màu để tạo màu cho bánh. Để làm được những chiếc bánh bò xốp thơm ngon, an toàn thực phẩm, khâu quan trọng nhất là nguyên liệu gạo và thời gian ủ bột bánh, tùy theo loại gạo mà thời gian ủ bột bánh khác nhau. Từ khi bắt đầu ngâm gạo, nấu lên rồi ủ cơm rượu lên men, tiếp đến trộn hỗn hợp men và gạo rồi ủ 10 giờ, xay hỗn hợp đường rồi bọc lại ủ từ 3 đến 4 giờ. Công đoạn này quyết định độ thơm ngon của bánh, khuấy nước cốt dừa để bánh có độ béo, sau đó đổ lên khuôn và hấp bánh”.
Nghề làm bánh truyền thống chủ yếu lấy công làm lãi, khá vất vả, mỗi ngày, chị Trinh phải thức từ 3 đến 4 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu, công việc kéo dài đến hơn giữa trưa mới có thời gian nghỉ ngơi, nghề này mang đến cho chị nguồn thu nhập khá. Mỗi ngày, chị làm từ 3 đến 4 loại bánh, tùy theo đơn đặt hàng. Hiện nay, bánh bò có giá từ 3.000 đến 4.000 đồng/cái, bánh bông lan 35.000 đồng/10 cái và bánh kẹp 250.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, chị Trinh thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng/ngày. Có những ngày cao điểm trong dịp Tết, thu nhập của chị đạt được từ 4 đến 5 triệu đồng/ngày.
Nghề đan lục bình truyền thống
Một nghề thủ công truyền thống gắn bó với miền sông nước, đó là nghề đan lục bình bên dòng sông Cái của huyện Gò Quao. Năm 2000, cây lục bình được bà con phơi khô rồi đem về đan lát thành những chiếc giỏ, những vật dụng dùng cho sinh hoạt gia đình xinh xắn, tính đến nay cũng được hơn 20 năm. Cây lục bình mang đến một nghề mới cho người dân miền sông nước Nam Bộ, đồng thời làm tăng giá trị của loại cây thủy sinh này.
Bà con cắt lục bình về phơi. Ảnh: Ái Vân
Trước đây, do nhu cầu sử dụng chưa nhiều, bà con Gò Quao tận dụng nguồn lục bình ngoài tự nhiên, hái được bao nhiêu thì đan bấy nhiêu. Lục bình thường trôi lang thang rồi tấp vào những dải đất ven sông, hoặc các cù lao. Những năm gần đây, mức độ tiêu dùng các mặt hàng từ đan lục bình tăng cao, các cô, các bác đã chủ động kết bè lại chăm sóc, trông nom những đám lục bình để tiện cho việc thu hái. Trung bình, một ngày, một người sẽ cắt được 1,2 tấn lục bình tươi và đem phơi khô sẽ còn khoảng 100kg lục bình khô. Với giá bán từ 7.000 đến 8.000 đồng/kg được thương lái thu mua mỗi ngày, nhiều hộ dân trong vùng không có đất sản xuất, nhờ nuôi thả cắt phơi lục bình đem bán giúp họ có thu nhập ổn định hơn.
Đến tận nơi xem mới thấy được sự công phu khi đan lục bình tưởng chừng như đơn giản, chỉ tính riêng kiểu đan lục bình phổ biến đã có 3 kiểu đan, đó là đan hạt gạo, đan xương cá và đan nhện. Hiện nay, các sản phẩm đan lục bình ở Gò Quao hướng tới chất lượng đẹp, đa dạng mẫu mã, để hướng tới nhiều đối tượng khách hàng, cùng với đó sẽ tăng lợi nhuận, thu nhập của các cơ sở và các hộ dân, mở rộng phát triển bền vững làng nghề. Định hướng trong thời gian tới của làng nghề là đan lát gắn với du lịch sinh thái miệt vườn, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước những sản phẩm được sản xuất từ cây lục bình, góp phần quảng bá du lịch miền sông Cửu Long nói chung, tỉnh Kiên Giang nói riêng.
Nghề chằm nón lá
Ở huyện Tân Hiệp, có một nghề đã xuất hiện từ năm 1954. Theo các cụ cao niên kể lại thì thời điểm đó, những người dân ở làng Phạm Pháo, tỉnh Nam Định di cư vào đây sinh sống, mang theo nghề truyền thống chằm nón lá. Đến năm 1957, nghề chằm nón lá được hình thành ở ấp Kênh 8B. Nghề chằm nón lá nghề truyền thống cũng như sự tài hoa khéo léo của nghệ thuật vót nan chằm nón đã được những người ở miền Bắc mang theo vào miền Nam từ vài chục năm trước.
Nghề chằm nón mang lại thu nhập cho những người lớn tuổi. Ảnh: Ái Vân
Ở đây, người dân vẫn chằm nón lá theo cách truyền thống, bảo lưu nguyên vẹn các công đoạn mà ông bà xưa để lại như chọn nguyên liệu lá, khung vành tre, kim khâu, len, dây cước… Nón lá được các bà làm từ lá mật cật, những cây tre được người thợ chuốt từng thanh tre mảnh, nhỏ và dẻo dai rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những vành nón. Mỗi chiếc nón có 16 vành, vành nón to nhất có đường kính rộng khoảng 50cm, cái tiếp theo sẽ nhỏ dần và cái nhỏ nhất bằng đồng xu. Tất cả được xếp tiếp nhau trên một khuôn hình chóp.
Lá để làm nón được mua từ Đồng Tháp, công đoạn cầu kỳ nhất là ủi lá, phải ủi cho thẳng lá, nhẵn láng thì làm cái nón mới đẹp. Ở dưới đốt một lò than, đặt một miếng sắt lên trên rồi mới ủi cho phẳng, sau đó lấy kéo cắt chéo đầu, lấy kim xâu chúng lại với nhau từ 24 – 25 chiếc lá cho một lượt, rồi xếp đều trên khuôn nón. Sau đó, lấy dây buộc chặt lá nón trải đều trên khuôn nón rồi bắt đầu khâu nón thành hình chóp. Nón sau khi được hình thành sẽ được quét một lớp dầu bóng để tăng độ bền và tính thẩm mỹ. Ở nan thứ 3 và thứ 4 dùng chỉ đôi kết xứng hai bên để buộc quai nón.
Nón thường có 3 loại, thứ một là loại nón để dành đi chơi, là loại tốt nhất có giá bán 100.000 đồng/chiếc, loại thứ 2 có giá 70.000 đồng/chiếc, còn loại để đi làm đồng là 50.000 đồng/chiếc. Công việc làm nón phù hợp với người lớn tuổi, trẻ em, hay bà con trong lúc nông nhàn. Dù vậy, nếu chăm chỉ, mỗi tháng nghề chằm nón lá cũng cho thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người.
Năm 2019, nghề chằm nón lá được tỉnh Kiên Giang công nhận là nghề truyền thống. Do đó, có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cho làng nghề chằm nón lá, xã cũng thành lập Tổ hợp tác tập hợp những nghệ nhân, thợ chằm nón lá của xã nhằm giữ gìn và phát huy, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của cha ông để lại, cũng như tạo công ăn việc làm cho trẻ em, người lớn tuổi của địa phương có thêm thu nhập
Từ nghề làm bánh bông lan, đan lục bình và nghề chằm nón truyền thống đã hình thành nên chuỗi làng nghề độc đáo của tỉnh Kiên Giang. Để gắn bó với nghề và xây dựng thương hiệu không chỉ đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, mà còn cái tâm của người làm nghề và sự chung sức, chung lòng của chính quyền địa phương. Đảm bảo được những yếu tố đó thì sản phẩm mới cho thể đứng vững trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận, có như vậy, tinh hoa nghề sẽ được bảo tồn và gìn giữ, cũng như gìn giữ được nét đẹp văn hóa vùng miền.
Ái Vân