Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị sớm ban hành chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản.
Hôm nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường báo cáo của đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, thuế là giải pháp có tác dụng trung và dài hạn giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, ban hành mới luật về thuế, trong đó đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.
Đoàn giám sát cũng lưu ý chính sách thuế phải đảm bảo mục tiêu tái phân phối thu nhập, tạo nguồn thu hợp lý cho ngân sách trên cơ sở tham khảo thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Chính phủ cũng cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký tài sản để tích hợp với hệ thống đăng ký các lĩnh vực khác.
Kiến nghị của Đoàn giám sát Quốc hội được đưa ra trong bối cảnh thị trường bất động sản tồn tại bất cập nhiều năm, khi cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, gây mất cân đối cung – cầu.
Nhìn lại giai đoạn 2015-2021, theo báo cáo, thị trường địa ốc phát triển sôi động với nhiều loại hình mới như căn hộ du lịch (condotel), biệt thự nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)… Riêng condotel và officetel có gần 100.000 căn do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế và hàng chục nghìn căn do các địa phương thẩm định. Đến năm 2021, cả nước có khoảng 5.000 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng.
Nguồn cung dồi dào nhưng chủ yếu là dự án được đầu tư từ giai đoạn trước, hướng đến phân khúc cao cấp, trong khi ít sản phẩm phù hợp với thu nhập của số đông người dân. Cuối giai đoạn này, đa số loại hình bất động sản du lịch, lưu trú đều gặp vướng mắc pháp lý.
Bất động sản Hà Nội, tháng 9/2024. Ảnh: Giang Huy
Đến 2022-2023, thị trường bất động sản suy giảm, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nguồn cung sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước, khiến giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập. Điển hình Hà Nội, TP HCM không còn phân khúc chung cư có giá phù hợp với thu nhập phần đông người dân.
Số liệu thống kê cho thấy mức chênh lệch ngày càng lớn trong cơ cấu sản phẩm bất động sản. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, phân khúc căn hộ trung và cao cấp chiếm đa số. Chẳng hạn, năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng rất cao nhưng lượng giao dịch thấp, chỉ khoảng 10% sản phẩm chào bán ra thị trường. Nhà ở riêng lẻ cũng duy trì ở mức cao và gần như không có giao dịch.
Tại TP HCM, nhà đất tăng “không kiểm soát”, mất cân đối giữa giá cả và giá trị dẫn đến giao dịch giảm mạnh. Phần lớn dự án nhà ở gặp vướng mắc, bị đình trệ, gây lãng phí về đất đai. Việc này làm tăng khó khăn và chi phí cho chủ đầu tư, kéo giá sản phẩm leo thang.
Giai đoạn này cũng ghi nhận số lượng lớn dự án nhà ở gặp vướng mắc, chậm tiến độ. Theo báo cáo của Chính phủ, Hà Nội có 404 dự án gặp khó, trong đó gần 40% đã được xử lý. Trong 2-3 năm trở lại đây, thực trạng phát triển dự án bất động sản tại Thủ đô rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt. Nhiều dự án được khởi công giai đoạn trước cũng chậm triển khai, phải điều chỉnh tiến độ.
Tương tự, TP HCM có 220 dự án vướng mắc, đã xử lý 35%. Thành phố có 30 dự án ngừng thi công (quy mô 18.800 căn chung cư, gần 2.900 nhà riêng lẻ) và 56 dự án chưa thi công.
Thị trường dư thừa nhà ở cao cấp trong khi nhà ở bình dân, nhà xã hội – phân khúc dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp – lại thiếu do chậm triển khai. Đa số địa phương chưa hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo đề án xây một triệu căn nhà xã hội. Chẳng hạn, Hà Nội đạt 9% chỉ tiêu, còn TP HCM khoảng 19%.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất đánh thuế nhà để giải quyết tình trạng giá nhà tăng cao, thị trường bị giới đầu cơ chi phối. Đề xuất này sau đó được sự ủng hộ từ Bộ Tài chính nhưng một số chuyên gia cho rằng khi đánh thuế sẽ đẩy giá nhà, đất tăng. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng chính sách thuế không làm tăng giá nhà đất, ngược lại giúp hạn chế đầu cơ, thổi giá.
Một thăm dò mới đây của VnExpress với gần 32.000 độc giả cho thấy, gần 70% phản hồi đồng tình với việc đánh thuế bất động sản thứ hai và bỏ hoang. Thực tế, chính sách thuế nhà được đưa ra nhiều lần trong suốt 15 năm qua, tuy nhiên đến nay giải pháp này vẫn “nằm trên giấy”. Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là chưa đúng thời điểm, lo ngại tác động mạnh tới thị trường, thậm chí do “thiếu quyết tâm chính trị”.
Ngoài chính sách thuế bất động sản, đoàn giám sát đề nghị các bộ ngành có biện pháp điều tiết, ngăn chặn tình trạng thị trường phát triển “nóng” hoặc “đóng băng”, ảnh hưởng chung đến nền kinh tế. Chính phủ cần có giải pháp giúp đa dạng sản phẩm cho thị trường, tăng nguồn cung phù hợp với thu nhập đa số người dân. Nhà chức trách cũng cần có giải pháp ngăn chặn việc thao túng, sử dụng các phiên đấu giá đất để tạo “sốt” giá.
Ngọc Diễm