Biên phòng – Vùng biển Kiên Giang rộng khoảng 63.000km2, với nguồn lợi hải sản phong phú. Ngư dân Kiên Giang chỉ cần những ngư cụ thô sơ là có thể đánh bắt hải sản, thu nhập dồi dào, đời sống no đủ. Như nghề cặm nò, chỉ cần vài trăm cây tràm cắm thưa trên biển, khoảng cách vài chục mét/cây là có thể đánh bắt được rất nhiều cá. Hay nghề lưới bao, chỉ cần cho tàu chạy dạo trên biển, khi nào phát hiện bầy cá nổi lên thì cho thả lưới bao lại kéo lên. Thú vị nhất là nghề câu kiều, lưỡi câu không có mồi, được kết lại thành một dàn câu, thả xuống biển, cá đi qua vướng vào lưỡi câu, nhấc lên là bắt được cá…
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới phát tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về chống khai thác IUU. Ảnh: Tiến Vinh
Khẩn cứu ngư trường
Những cách đánh bắt đơn giản vẫn cho thu nhập cao mà chúng tôi đề cập ở trên là cách làm của ngư dân tỉnh Kiên Giang thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Đó là khi con người đối xử hiền hòa, thân thiện với biển cả, thì biển cả cho con người một cuộc sống ấm no, sung túc. Hiện nay, cả nước có hơn 100.000 tàu cá, trong đó, tỉnh Kiên Giang có trên 10.000 tàu cá, với hơn 4.000 tàu cá đánh bắt xa bờ.
Do ngư trường chật hẹp, nguồn lợi hại sản cạn kiệt, trong khi đó, không ít ngư dân đánh bắt bằng các nghề mang tính hủy diệt như: sử dụng thuốc nổ và xung điện, kéo cào đôi, cào bờ, xiệp mé… Đó là còn chưa kể, mỗi năm có hàng chục nghìn tấn nước thải, rác thải công nghiệp, túi nilon từ các nhà máy, xí nghiệp, trên các con tàu xả thẳng xuống biển, làm hủy hoại môi trường biển và khiến các loài hải sản khó sinh trưởng.
Hệ lụy của những việc làm trên đó là: Ngư trường cạn kiệt, khai thác không hiệu quả, đời sống ngư dân gặp nhiều khó khăn. Trong cái khó, các hành vi đánh bắt tiêu cực bắt đầu hình thành và trở thành vấn nạn. Không dừng lại ở đó, một số ngư dân còn cho tàu sang vùng biển các nước khai thác hải sản trái phép. Chỉ tính riêng 2 năm trước đây, Kiên Giang có hơn 50 tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Thực tế con số này còn lớn hơn vì có nhiều chủ tàu khi bị bắt không dám đến trình báo cơ quan chức năng, mà tìm cách lén lút tự đi chuộc tàu về…
Vào cuộc quyết liệt
Đến hết tháng 4/2024, nếu không khắc phục được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước, thì đồng nghĩa với việc Ủy ban châu Âu (EC) cấm nhập khẩu hải sản từ Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các lực lượng thực thi nhiệm vụ trên biển, thì việc nâng cao ý thức của ngư dân, chủ tàu, tài công… là yếu tố quyết định, là mấu chốt quan trọng trong việc thực hiện các khuyến cáo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU)… Đặc biệt, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã phát đi thông điệp bằng thư ngỏ lần thứ 2, kêu gọi bà con ngư dân hưởng ứng việc chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC.
Thời gian qua, cùng với các biện pháp tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không để bất cứ một phương tiện nào không đảm bảo các qui định về phòng chống IUU được xuất bến, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới biển, đảo của tỉnh Kiên Giang đã lồng ghép giữa việc kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm với tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chống khai thác IUU. Các cán bộ Biên phòng làm nhiệm vụ chuyên trách về chống khai thác IUU đã cùng với các lực lượng, chính quyền, đoàn thể ở địa phương đến từng nhà, gặp từng chủ tàu, tài công, vợ, con của ngư dân để phát tờ rơi tuyên truyền. Thông qua đó, chỉ ra những tác hại của việc cố tình cho tàu sang vùng biển các nước khai thác hải sản; làm cho mỗi ngư dân, chủ phương tiện thấy được vi phạm của cá nhân nhưng gây hệ luỵ lớn đến toàn ngành thủy sản cả nước.
Mới đây, trong cuộc họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành của tỉnh Kiên Giang trong việc quyết liệt xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về khai thác IUU. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các ngành, các cấp, các lực lượng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng cần tiếp tục đưa ra xét xử nghiêm các vụ việc tương tự như ở Kiên Giang để răn đe, không có trường hợp ngoại lệ…
Tiến Vinh