Thí sinh dự ngày hội tư vấn xét tuyển do báo Tuổi Trẻ tổ chức – Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Theo nhiều bạn đọc, lỗ hổng kiểm định đại học tuy là chuyện cũ nhưng vẫn phải nói. Để làm đẹp báo cáo kiểm định, một số trường đại học công bố tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp cao ngất ngưởng. Có trường tỉ lệ này lên đến 100% ở tất cả các ngành.
Ngán ngẩm kiểm định đại học
Bạn đọc Minh chỉ ra thực trạng: “Nhiều nơi khi kiểm định cơ sở vật chất thì đi mượn trang thiết bị về trưng bày. Phòng học thì làm hợp đồng thuê nhà, thuê cơ sở giảng dạy, hợp đồng hợp tác cơ sở thực tập chỉ cho có hình thức.
Thu thập việc làm sinh viên sau tốt nghiệp thì em đi phụ bán cà phê, bưng phở cũng xếp vào có việc làm. Giáo trình thì cóp nhặt, chỉ có cái tiêu đề cho đẹp, ruột thì chắp vá.
Đội ngũ giảng viên trước khi kiểm định thì ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động, kiểm định xong giải tán”.
Từng tham dự buổi công bố kết quả đánh giá năng lực của một trường đại học, độc giả Do Nhat ngán ngẩm: “Nghe một thành viên trong đoàn kiểm định giáo dục nhận xét về các tiêu chí lĩnh vực khoa học công nghệ mà phát hoảng. Nói chung vô thưởng vô phạt và sai các thuật ngữ, khái niệm về công bố khoa học và chuyển giao công nghệ.
Vậy mà cuối cùng trường đại học này vẫn nhận được kết quả đạt và một số khuyến nghị mà áp dụng cho trường nào cũng đúng!”.
Độc giả Hai minh chứng: “Trường đạt kiểm định chưa chắc gì có điểm đầu vào cao, sinh viên ra trường có nhiều việc làm tốt. Trường có xếp hạng cao nhất thì điểm sàn thấp nhất.
Bên cạnh đó, không thể không lo ngại hiện nay đội ngũ giảng viên chất lượng cực thấp trong một số trường đại học, đặc biệt là các trường đại học đi lên từ trung cấp hay cao đẳng.
Vì thế, nên tìm phương án khác để nâng cao chất lượng kiểm định. Một trong những phương án là cần chuẩn hóa đội ngũ giảng viên”.
Cách nào nâng chất kiểm định đại học?
“Tư tưởng trọng bằng cấp đã ăn sâu nên người người, nhà nhà bằng mọi giá để vào được đại học bất chấp, còn các trường đại học thì luôn thỏa mãn nhu cầu này, miễn là thu được càng nhiều tiền càng tốt. Hãy để các nhà tuyển dụng đánh giá năng lực thực sự của sinh viên” – bạn đọc Lại Quang Tấn bình luận.
Vì thế, theo độc giả Vinh: “Có lẽ không nên bắt buộc các trường thực hiện kiểm định, mà nên để trường tự quyết định khi nào, bao lâu mới kiểm định một lần cho những ngành cần thiết và kiểm định đủ chuyên môn sâu.
Mặt khác, phụ huynh cũng cần thay đổi cách chọn trường cho con. Không dựa vào danh tiếng và thứ hạng của kiểm định đại học nữa, mà dựa vào thực tế việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp”.
Bạn đọc Phạm Xuân Thanh có ý kiến: “Quy chế kiểm định và quy trình kiểm định là chung cho tất cả các lĩnh vực, nhưng chuyên gia kiểm định phải có chuyên môn sâu về từng lĩnh vực được kiểm định. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thuê chuyên gia thẩm định kín một số báo cáo đánh giá độc lập với các trung tâm kiểm định”.
Độc giả Đạt Nguyễn cho rằng: “Khó có tiêu chuẩn kiểm định nào chuẩn được vì thước đo đầu ra của sinh viên không rõ ràng và không có số liệu đúng. Ngoài ra yếu tố thị trường làm cho các trường đại học đua nhau mở ngành theo “trend” để thu hút sinh viên nhưng giáo trình, giảng viên chuyên môn được đào tạo đúng ngành thì không có.
Cần mời những người đang làm chuyên môn kỹ thuật, kinh doanh giỏi được đào tạo thêm về kỹ năng sư phạm qua giảng dạy cũng là cách tăng chất lượng đào tạo thực tiễn cho sinh viên. Khi đó sinh viên ra trường mới có kỹ năng tốt, hiểu được thực tế môi trường thì mới có việc làm tốt”.
Lỗ hổng kiểm định đại học
Mở ngành loạn xạ, hợp tác trường và ngành kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp vẫn kêu sinh viên tốt nghiệp thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc… Đó là những lỗ hổng không khó để nhận ra ở nhiều trường đại học, kể cả các trường/ngành đã được kiểm định.