Không uống trà sữa cùng đồng nghiệp, nữ nhân viên bị “ép” nghỉ việc

Không uống trà sữa cùng đồng nghiệp, nữ nhân viên bị “ép” nghỉ việc

Tốn 3 triệu đồng cho việc uống trà sữa cùng đồng nghiệp

Câu chuyện đồng nghiệp rủ đặt trà sữa, đồ ăn vặt trong giờ làm việc là quá đỗi bình thường, và văn hóa nội bộ nhiều công ty tại Việt Nam vẫn luôn linh động cho phép nhân viên thoải mái. 

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu ai cũng có nhu cầu ăn uống trong hội và khả năng chi trả nằm trong mức chi tiêu có thể kiểm soát. Thế nhưng nhiều trường hợp, nhân viên có mức lương chỉ 7-8 triệu đồng đã chi một nửa trong số đó cho nhu cầu này.

Không uống trà sữa cùng đồng nghiệp, nữ nhân viên bị ép nghỉ việc - 1

Câu chuyện rủ rê ăn vặt, uống trà sữa đã trở thành “luật bất thành văn” trong nhiều môi trường công sở (Nguồn ảnh: Pexels).

Chị Thanh Trần (26 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) chia sẻ sự áp lực không đến từ công việc mà từ những cuộc rủ rê ăn uống vào ca chiều. Mỗi ngày, chị đều cân đo chi phí ăn sáng, ăn trưa của mình thật kĩ vì còn chừa khoản tiền uống trà sữa cùng đồng nghiệp.

Thanh Trần cho biết, một ly trà sữa bình quân 50.000 đồng, ngày nào đặt thêm đồ ăn vặt thì chia ra một người sẽ góp thêm khoảng 30.000 đồng. Mỗi tháng chị tốn khoảng 1,2 đến 2 triệu đồng chi phí bữa xế khi đi làm. Tuy nhiên, mức lương hiện tại của chị chỉ 8 triệu.

Anh Hoàng Luân (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) kể vấn đề đặt trà sữa như một “văn hóa nội bộ” tại công ty của anh. Cứ tầm khoảng 14h, sẽ có menu (thực đơn món ăn, đồ uống) gửi vào nhóm chat để nhân viên chọn món và trả tiền.

“Thu nhập của mình cả tháng 8 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, hóa đơn hàng tháng, xăng xe thì mình chỉ còn khoảng 3 triệu ăn uống. Tuy nhiên mình lại phải trích một nửa chi phí sống cho bữa xế vô thưởng vô phạt này” – anh Luân nói thêm.

Không uống trà sữa cùng đồng nghiệp, nữ nhân viên bị ép nghỉ việc - 2

Tiền lương 8 triệu/tháng, Hoàng Luân rất khó khăn khi thường xuyên được mời cùng mua trà sữa giữa giờ (Ảnh: NVCC).

Chị Linh Nguyễn (35 tuổi, nhân viên truyền thông tại TPHCM) cũng cho biết vì nghiện thức uống của một thương hiệu nổi tiếng mà mỗi ngày chị phải tốn 60.000-70.000 đồng tiền nước, có hôm còn uống cả 2 ly trong 8 tiếng văn phòng. “Một tháng tôi phải chi khoảng 3 triệu cho riêng tiền cà phê, trà sữa” – chị Linh nói thêm.

Tiền “chống” cô lập

Trên lý thuyết thì việc đi làm là cống hiến sức lao động để đổi lại mức thù lao đã thỏa thuận. Thế nhưng thực tế dân văn phòng ngày nay hiếm ai bảo toàn được số lương. Đôi khi họ còn đầu tư ngược nó lại vào ngày làm việc, xem đây như điều khoản “trích lương” để hỗ trợ công việc của mình. 

Chị Thanh Trần bộc bạch lý do chị phải chi số tiền cho ly nước phát sinh mà mình không có nhu cầu uống là vì muốn thân thiết với đồng nghiệp. Nếu chị hưởng ứng những lời rủ rê, chị sẽ không bị lạc lõng, tránh để lại ấn tượng xấu, sợ mọi người gây khó dễ trong công việc.

Anh Hoàng Luân đồng tình rằng, uống trà sữa cùng đồng nghiệp sẽ dễ kết nối hơn, thuận tiện trao đổi cũng như nhờ vả vào thời điểm xem là nghỉ ngơi này.

Không uống trà sữa cùng đồng nghiệp, nữ nhân viên bị ép nghỉ việc - 3

Nhiều nhân sự cho rằng vấn đề uống trà sữa là để kết nối, tránh vấn đề cô lập, bị nói xấu trong các cuộc tụ họp (Nguồn ảnh: Pexels).

Chị Ngân Hồ (24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TPHCM) kể rằng khi còn làm ở công ty cũ, chị phải nghỉ việc vì không thể chịu được sự cô lập chỉ vì từ chối lời “rủ rê” của đồng nghiệp.

Mọi người rủ mình uống trà sữa cùng để tổng đơn đủ điều kiện dùng mã khuyến mãi. Việc duy trì suốt một tháng thử việc nên mình không đồng ý vì cảm thấy rất tốn kém.

Ngay sau đó, chị ấy đã dùng những lời lẽ không phù hợp như mình không biết điều, không hòa đồng, keo kiệt… khiến mình không thoải mái và đã phải ngừng việc” – chị Ngân Hồ nhớ lại.

Không uống trà sữa cùng đồng nghiệp, nữ nhân viên bị ép nghỉ việc - 4

Nhiều nhân sự không chấp nhận việc này đã phải nghỉ việc (Nguồn ảnh: Pexels).

Kết nối lành mạnh

Anh Hoàng Phụng (27 tuổi, quản lý bộ phận tại TPHCM) nêu quan điểm: “Nếu ngay cả chuyện ăn uống của bản thân bạn cũng không thể quyết định thì khi làm việc không thể bảo vệ ý tưởng cá nhân, không có khả năng lập luận, phản biện để đạt hiệu quả công việc”.

Trong đó, chị Hạ Trần (nhân sự nội dung tại TPHCM) chia sẻ bí kíp từ chối các lời rủ rê uống trà sữa, tham gia đặt đồ ăn… nếu bản thân không muốn bằng những cách như sau:

Chuẩn bị các thực phẩm tại bàn làm việc như thanh gạo lứt, hạt ngũ cốc, snack (đồ ăn vặt), sữa, nước ép trái cây đóng chai… để từ chối khéo rằng mình có đồ ăn, thức uống rồi.

Không uống trà sữa cùng đồng nghiệp, nữ nhân viên bị ép nghỉ việc - 5

Chị Hạ Trần chia sẻ bản thân luôn đem theo nhiều thức ăn lành mạnh đến công ty để tránh việc bị rủ rê ăn vặt (Ảnh: NVCC).

Nói lời cảm ơn và từ chối: Thẳng thắn từ chối nếu mình không có nhu cầu uống trà sữa và nói cảm ơn mọi người vì đã ngỏ lời sẽ khiến người khác cảm thấy thoải mái hơn.

Kỷ luật với bản thân: Luôn có bảng kế hoạch chi tiêu cụ thể và tuân thủ áp dụng sẽ khiến bản thân buộc nói không trước những “lời mời” tiêu xài vượt mức.