Khối tài sản ‘khủng’ liên quan bà Trương Mỹ Lan được xử lý thế nào

Khối tài sản ‘khủng’ liên quan bà Trương Mỹ Lan được xử lý thế nào

TP HCMTòa tiếp tục kê biên nhiều tài sản, cổ phần, hàng trăm nhà đất; đề nghị Bộ Công an làm rõ nhiều giao dịch giữa bà Trương Mỹ Lan với các đại gia bất động sản để thu hồi tiền khắc phục vụ án.

Chiều 17/10, TAND TP HCM tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát mức án chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.000 tỷ đồng); Rửa tiền (445.747 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD – tương đương 106.730 tỷ đồng).

HĐXX xác định toàn bộ tiền chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng từ hành vi phát hành trái phiếu đều được bà Lan sử dụng vào mục đích cá nhân, nên bà này phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại. Tòa tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm, để đảm bảo cho việc thi hành án.

Các bị cáo khác không có nghĩa vụ khắc phục thiệt hại nhưng quá trình điều tra đã tự nguyện nộp một phần tiền khắc phục nên tòa ghi nhận, tiếp tục thu giữ số tiền này để đối trừ với nghĩa vụ của bà Lan trong vụ án.

>> Mức án chi tiết của 34 bị cáo và hình phạt ở giai đoạn một vụ án

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa chiều nay. Ảnh: Trần Quỳnh

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa chiều nay. Ảnh: Trần Quỳnh

Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thủ Thiêm phải trả bà Lan 1.000 tỷ đồng

Tòa buộc ông Nguyễn Văn Liêm (Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thủ Thiêm) trả lại bà Lan 1.000 tỷ đồng thông qua việc chuyển nhượng dự án Khu đô thị phát triển An Phú TP HCM do Công ty CP địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư. Tiếp tục kê biên dự án của công ty này để đảm bảo thi hành án.

Đối với 2 chiếc túi Hermes bạch tạng, tòa xác định một chiếc được bà Lan mua bằng tiền có nguồn gốc phạm tội, túi còn lại mua bằng nguồn tiền riêng. Tuy nhiên, do bà Lan đang có nhiều nghĩa vụ khác phải thi hành nên tòa tuyên tiếp tục thu giữ.

Đối với 18% cổ phần của bà Lan tại Công ty liên doanh Vietcombank Bonday – Bến Thành do Công ty Setra đứng tên, quá trình điều tra bà Lan và Vietcombank đã thỏa thuận chuyển nhượng số cổ phần này với giá 920 tỷ đồng.

Tòa xác định, các thỏa thuận này là không trái quy định, song chưa đủ cơ sở xác định chứng thư thẩm định giá đối với số cổ phần trên. Vì thế, để đảm bảo thu hồi tối đa nghĩa vụ của bà Lan trong vụ án, tòa tiếp tục kê biên để xử lý theo đúng giá thị trường.

Tương tự, đối với cổ phần của bà Lan do nhiều người đứng tên giúp tại Công ty bảo hiểm FWD (hơn 600 tỷ đồng); 1,4 triệu cổ phần tại Công ty Chứng khoán Tân Việt TVIS; Công ty Đông Dược; Công ty Hòa Thuận Phát, Công ty Ngọc Viễn Đông (4.500 tỷ đồng); Công ty Sao Thuỷ… cùng hàng trăm bất động sản khác, HĐXX đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục kê biên để xử lý.

Đối với các tài sản gồm quyền sử dụng đất, cổ phần… của 3 người đã chết, và 5 người trốn truy nã, tòa xác định các bị cáo này đều là những người có vai trò rất quan trọng trong vụ án. Do đó, tòa tiếp tục giao các tài sản này cho C03 để xử lý theo luật.

Đề nghị Bộ Công an điều tra quan hệ giao dịch tại dự án The Spirit of Sài Gòn

Đối với số tiền 15.712 tỷ đồng Bitexco đã nhận từ bà Lan để chuyển nhượng Dự án khu Tứ giác Bến Thành (The Spirit of Sài Gòn), cơ quan điều tra xác định trong đó có hơn 4.000 tỷ đồng rút ta từ SCB, còn lại là tiền của bà Lan đi vay của ngân hàng khác. Bà Lan khai đã thỏa thuận nhận chuyển nhượng dự án 22.000 tỷ đồng nhưng mới chuyển cho Bitexco 7.000 tỷ đồng.

Dự án khu Tứ giác Bến Thành - đối diện chợ Bến Thành. Ảnh: Trần Quỳnh

Dự án khu Tứ giác Bến Thành – đối diện chợ Bến Thành. Ảnh: Trần Quỳnh

Theo tòa, tài liệu chứng cứ thu thập được thể hiện bị cáo đã đưa người sang để quản lý điều hành công ty. Để tiếp tục thực hiện dự án, công ty thành viên của Bitexco đã phải phát hành trái phiếu 23.000 tỷ đồng. Đến nay, tiền nợ gốc, lãi phát sinh từ gói trái phiếu này đã là 33.000 tỷ đồng – vượt quá số tiền đã nhận từ bà Lan. Trong quá trình mua bán, bà Lan đã nhận số tiền phát hành trái phiếu này.

HĐXX cho rằng, liên quan đến dự án còn nhiều mâu thuẫn nên cần giao Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tiếp tục điều tra, xử lý để xem xét trách nhiệm hình sự, dân sự của các bên.

Tương tự, đối với dự án Khu đô thị Sing – Việt và một số tài sản khác chưa xác minh được nguồn gốc tài sản và chưa được làm rõ, tòa giao C03 tiếp tục điều tra.

Liên quan đến giao dịch chuyển nhượng dự án Tân Thành Long An, tòa xác định bà Lan đã thỏa thuận chuyển nhượng cho bà Võ Thị Kiêm Khoa (thuộc Novaland) với giá 30.000 tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng được đảm bảo bởi việc phía bà Khoa có nghĩa vụ trả nợ các gói trái phiếu trị giá hơn 19.000 tỷ đồng mà Vạn Thịnh Phát đã phát hành trước đó.

Tuy nhiên, sau khi vụ án xảy ra, các bên điều chỉnh giá dự án xuống 20.000 tỷ đồng – được cho là gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo nghĩa vụ đối với các gói trái phiếu phát hành trước đó. Do vậy, tòa chuyển cho Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tiếp tục kê biên, điều tra hoặc xử lý theo trình tự tố tụng khác, theo yêu cầu của các bên.

Về việc bà Lan và luật sư đưa ra phương án khắc phục hậu qủa như: thu hồi 15.000 tỷ đồng do một số ngân hàng thụ hưởng có nguồn gốc từ việc phát hành trái phiếu; sử dụng “Siêu dự án” Amigo (nằm tại bốn mặt tiền đường Nguyễn Huệ – Ngô Đức Kế – Hồ Tùng Mậu – Huỳnh Thúc Kháng, quận 1)… HĐXX cho rằng tài liệu trong hồ sơ vụ án chưa đủ cơ sở xác định pháp lý tài sản này nên chưa có căn cứ chấp nhận.

Gỡ bỏ lệnh kê biên Tòa nhà Capital Place

Tòa huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn các tài khoản của ông Chu Lập Cơ do bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền 33 tỷ đồng Rửa tiền cho tiền phạm tội của vợ.

Khoảng hơn chục tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng đứng tên Chu Duyệt Hằng, Chu Duyệt Phấn (hai con gái của bà Lan) và ông Chu Lập Cơ trị giá khoảng hơn 100 tỷ đồng chưa làm rõ nguồn gốc nên HĐXX đề nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý.

Quá trình điều tra, C03 ngăn chặn tài khoản ngân hàng 10 tỷ đồng của ông Trương Mễ (em trai bà Lan). Do không có cơ sở chứng minh số tiền này liên quan đến vụ án, bị cáo Ngô Thanh Nhã (vợ ông Mễ) không có nghĩa vụ bồi thường, nên tòa gỡ bỏ lệnh kê biên.

Tòa nhà Capital Place số 29 Liễu Giai, Hà Nội. Ảnh: Capital Place

Tòa nhà Capital Place số 29 Liễu Giai, Hà Nội. Ảnh: Capital Place

Đối với tòa nhà 29 Liễu Giai, Hà Nội, tòa xác định tài sản này là phần vốn góp của 3 cổ công là các công ty nước ngoài. Các công ty sở hữu cổ phần của tòa nhà này đều là công ty con của Công ty Viva Limited do Chu Duyệt Phấn sở hữu 100% cổ phần.

Các công ty này đang có quan hệ tín tụng với các ngân hàng nước ngoài và đây là giao dịch hợp pháp. Do đó, tòa huỷ bỏ lệnh kê biên, giao tài sản này cho các ngân hàng xử lý thu hồi nợ dưới dự giám sát của VKSND Tối cao, C03 và cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

Sau khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ của các cổ đông, số tiền còn lại sẽ được sử dụng để thực hiện nghĩa vụ thi hành án của bà Lan.

Hải Duyên