Khó tuyển lao động có tay nghề

Khó tuyển lao động có tay nghề

Sau Tết, nhà máy Tôn thép Vạn Đạt Thành đăng tuyển một thợ sửa ô tô cho đội xe vận chuyển nhưng hơn nửa tháng chưa có người đến phỏng vấn.

Thông tin tuyển dụng của nhà máy Tôn Thép Vạn Đạt Thành ở Bình Dương yêu cầu ứng viên nam có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng, kinh nghiệm 1-2 năm, lương cơ bản 13-17 triệu đồng chưa kể phụ cấp, tăng ca. Công việc bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa cho các xe tải chở hàng công ty.

Anh Phạm Đình Văn, phụ trách tuyển dụng nhà máy, cho biết từ mùng 9 Tết, thông tin được đẩy lên trang mạng xã hội của khu công nghiệp nhưng không có phản hồi. Sau đó, anh liên hệ các trang tin việc làm có thu phí, trả gần chục triệu đồng để đăng mẫu tuyển nhưng đến nay vẫn chưa có người.

“Các trang tuyển dụng gửi một danh sách người tìm việc, tôi gọi từng ứng viên nhưng vẫn chưa có ai đồng ý đến phỏng vấn”, anh Văn nói. Dự kiến, nếu hết tháng 2 vẫn chưa kiếm ra người, công ty sẽ nâng mức lương căn bản lên 10-20% để nhanh tìm được thợ, đảm bảo hoạt động sản xuất của nhà máy.

Thợ bảo trì, sửa chữa ô tô làm việc tại nhà máy tôn thép Vạn Đạt Thành. Ảnh: An Phương

Thợ bảo trì, sửa chữa ô tô làm việc tại nhà máy tôn thép Vạn Đạt Thành. Ảnh: An Phương

Tương tự, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cơ khí Duy Khanh (TP HCM), cho hay việc tìm được lao động có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên là thách thức đối với doanh nghiệp.

Công ty cơ khí Duy Khanh đang đầu tư thêm một nhà máy sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại Khu công nghệ cao TP HCM (TP Thủ Đức). Xưởng đang chạy thử và cần tuyển mới 30-40 thợ có tay nghề, kỹ sư trình độ cao đẳng, đại học nhưng khá khó.

“Tuyển mới đã khó, tìm được người, đào tạo xong giữ họ ở lại càng khó hơn”, ông Tống nói và cho rằng không chỉ nhà máy của Duy Khanh mà hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều gặp tình trạng này.

Là Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện TP HCM, ông Tống cho hay để đảm bảo được nguồn nhân lực các nhà máy thường phối hợp các trường nghề nhận thực tập, giúp lao động trải nghiệm môi trường công xưởng, từ đó tìm được người phù hợp. Hiện, chi phí tuyển dụng lao động của các nhà máy khá lớn.

Khảo sát nhanh về tình hình tuyển dụng lao động có tay nghề, trình độ sau Tết với 14 giám đốc, trưởng phòng nhân sự các nhà máy ở Bình Dương cho kết quả chỉ một người nói rằng “dễ tuyển”, hơn 90% cho biết “khó”. Nguyên nhân lao động có tay nghề, trình độ có nhiều lựa chọn, dễ dàng đổi việc thậm chí đổi nghề chuyển sang các lĩnh vực không đúng chuyên môn.

Tại TP HCM, báo cáo về thị trường lao động trước và sau Tết của Trung tâm dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi) cho thấy trên 48% nhu cầu tuyển dụng ở các doanh nghiệp là lao động đã qua đào tạo từ trung cấp trở lên. Trong khi đó, đối với người tìm việc, tính từ trình độ trung cấp, tỷ lệ này chiếm đến 98%. Xét về trình độ kỹ năng, nguồn cung vượt cầu nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tuyển người.

Theo báo cáo của Falmi, những khó khăn trong tuyển dụng như lao động không đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp, tiền lương, điều kiện làm việc không phù hợp, phúc lợi chưa được như ý muốn của ứng viên. Ngoài ra, với những ngành kỹ thuật, chuyên môn đặc biệt còn gặp tình trạng khan hiếm nhân sự.

Trong các lý do khó tuyển, nguyên nhân đứng thứ hai là tiền lương, thưởng thấp chiếm gần 22%, tức khả năng chi trả của doanh nghiệp và mong muốn của người tìm việc đang có sự chênh lệch lớn. Cụ thể, hơn 46% người tìm việc muốn lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng, gần 20% người tìm việc mong nhận mức 15-20 triệu đồng mỗi tháng, 23% muốn nhận 10-15 triệu đồng và 10% nhận mức 5-10 triệu đồng. Rất ít người yêu cầu mức lương dưới 5 triệu đồng, chỉ chiếm 0,75%, tập trung ở nhân viên bán thời gian, làm theo giờ, phục vụ tiệc cưới, nhân viên tại các khu vui chơi giải trí.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ 11% các vị trí tuyển dụng trả được mức lương trên 20 triệu đồng mỗi tháng, còn mức lương 5-10 triệu đồng chiếm đến gần 45% và hơn 4% công việc có lương dưới 5 triệu đồng.

Báo cáo mới đây của Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra khi doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng thay thế hoặc mở rộng, nhóm lao động có thể dễ dàng tuyển dụng hơn cả là công nhân, lao động phổ thông chiếm đến 62%. Mức độ khó tuyển tăng dần gồm kế toán, cán bộ kỹ thuật, quản lý, giám sát và nhóm có mức độ khó nhất là giám đốc điều hành.

Bà Bùi Thị Ninh, Trưởng văn phòng Giới sử dụng lao động (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI – chi nhánh TP HCM), cho rằng thị trường lao động đang có những thay đổi mạnh mẽ. Trong đó nổi lên hai thách thức lớn là thiếu hụt lao động có kỹ năng và các yêu cầu kỹ năng đối với lao động cũng thay đổi nhanh, chu kỳ ngắn hơn do chịu sự tác động của khoa học công nghệ.

Người lao động tham gia phỏng vấn ngày hội tuyển dụng do Navigos tổ chức mới đây. Ảnh: Lê Tuyết

Người lao động tham gia phỏng vấn ngày hội tuyển dụng do Navigos tổ chức mới đây. Ảnh: Lê Tuyết

Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực ở các trường luôn có độ trễ nhất định. Do đó, đào tạo lại kỹ năng ở doanh nghiệp khá quan trọng để chủ động được nguồn lực. Ở khối FDI khoản này chiếm 5,69% tổng chi phí hoạt động. Mặc dù vậy, chương trình đạo này gặp hạn chế khi không cung cấp đầy đủ, toàn diện các kỹ năng cho một ngành nghề hoàn chỉnh cho người lao động mà chỉ tập trung vào một số kỹ năng cụ thể, cho từng công đoạn cụ thể mà doanh nghiệp cần. Điều này hạn chế khả năng phát triển nghề nghiệp của người lao động và ảnh hưởng lớn đến năng suất lao động.

Theo bà Ninh, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình đào tạo nội bộ, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho lao động, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ như ưu đãi về thuế. Ngoài ra, các chính sách đào tạo lại lao động ở doanh nghiệp cũng cần linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Lê Tuyết