Khi người dân đồng lòng giữ rừng nguyên sinh

Khi người dân đồng lòng giữ rừng nguyên sinh

Biên phòng – Rất nhiều rừng nguyên sinh trên cả nước đã bị nạn chặt phá nghiêm trọng và khai thác gỗ bừa bãi. Mặc dù vậy, rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng (xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) vẫn giữ được màu xanh tươi tốt nơi đại ngàn. Có được điều đó chính là nhờ những người dân sinh sống ngay tại cửa rừng luôn dành hết tâm sức để giữ gìn và bảo vệ.


Để tạo sinh kế bền vững, người dân thôn Đông Đằng tích cực bảo vệ rừng nguyên sinh. Ảnh: Thúy Hạnh

Gỗ nghiến là loài cây quý hiếm thuộc nhóm I, có giá trị kinh tế cao, chỉ sinh trưởng trên núi đá ở độ cao khoảng 400m. Có độ bền và tính thẩm mỹ nên cây nghiến thường được chế biến thành các sản phẩm nội thất, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ… Vì thế, cây nghiến là mục tiêu khiến nhiều đối tượng nhắm tới để chặt phá.

Rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng có diện tích 13,3ha, với hơn 2.000 cây gỗ có đường kính 20cm trở lên, thuộc lô 97, tiểu khu 240B, đã được công nhận là khu bảo tồn loài – sinh cảnh Bắc Sơn năm 2018. Đây là cánh rừng nguyên sinh quý hiếm tập trung nhiều cây gỗ nghiến quý hiếm. Mỗi cây đều được người dân đánh số ở gốc. Có những cây cổ thụ cao hàng chục mét, thân cây khổng lồ bám chặt vào vách đá lởm chởm. Điều thú vị của khu rừng này là trên đỉnh núi đá còn có nhiều cây, mà người dân ở đây gọi là cây “dự báo thời tiết”. Cây có tên gọi như vậy là vì trước khi có mưa to, gió lớn, lá cây đó sẽ chuyển thành màu trắng bạc, thay vì màu xanh như thường ngày. Có lẽ, ít ai nghĩ rằng, rừng cây nguyên sinh quý hiếm như vậy vẫn còn tồn tại nguyên sơ ngay tại nơi dễ khai thác nhất.

Sự thật minh chứng cho ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của cộng đồng người dân tộc Tày nơi đây. Cánh rừng trăm tuổi vẫn xanh thẫm màu lá nghiến nơi đại ngàn. Ý thức giữ gìn, bảo vệ của người dân được nâng cao, khi họ coi đây là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Rừng nghiến nguyên sinh Đông Đằng là khu rừng nghiến tự nhiên hiếm hoi còn sót lại nên được người dân nơi đây bảo vệ rất nghiêm ngặt. Bởi rừng giúp duy trì nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, cùng với việc giữ cho đá không lăn xuống làng.

Đặc biệt nhất, rừng được bảo vệ chính là yếu tố tâm linh, tương truyền có 3 vị thần là ông Đuôi, ông Voi và thần Bò Bá Mò ngự ngay ở khu rừng có những cây nghiến mọc, để che chở và bảo vệ cho dân làng. Thế nên, nếu chặt cây rừng sẽ làm kinh động đến các vị thần. Người dân tin rằng, thờ cúng thần rừng và bảo vệ rừng sẽ được ngài phù hộ cho mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, bình yên.

Theo anh Dương Hữu Chung, Trưởng thôn Đông Đằng, xã Bắc Quỳnh: “Gốc cây nghiến này có đường kính là hơn 2,4m, chu vi hơn 9m, áng chừng phải 5-6 người ôm mới hết. Cây này được các cụ trong làng nói là cây thọ nhất của cánh rừng nghiến nguyên sinh. Trước kia, gắn liền với bảo vệ rừng, bà con làm nhà sát chân núi. Người dân làm hương ước quy định bảo vệ rừng, không chặt phá rừng”.

Tại chương VI, Điều 25 trong hương ước của thôn Đông Đằng có ghi rất rõ quy định: Tất cả người dân có trách nhiệm bảo vệ rừng. Không chặt phá, đốt cháy, khai thác trái phép; không bẫy, săn, bắt động vật trong rừng; từng hộ phải có biện pháp chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh; không phát rừng làm nương rẫy… với các hình thức phạt nghiêm khắc đối với người vi phạm. Cụ thể, vi phạm lần một sẽ phạt hành chính và nhắc nhở trước toàn thôn. Vi phạm lần hai sẽ đưa ra cộng đồng dân cư và các tổ chức, đoàn thể của người vi phạm với hình thức kỷ luật. Vi phạm lần ba sẽ bị loại khỏi “phe làng, hội hiếu”, tước hết quyền lợi của hộ gia đình đó trong thôn. Tiếp đó, bên cạnh việc ngăn ngừa, phạt người vi phạm, chương VIII cũng nêu rõ các hình thức khen thưởng với những hộ dân có thành tích trong việc giữ gìn, bảo vệ rừng.


Các lực lượng chức năng và người địa phương thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Thúy Hạnh

Anh Dương Thời Anh, một người dân ở thôn Đông Đằng chia sẻ: “Mấy năm nay, huyện Bắc Sơn đã thành lập một đội tuần rừng. Mỗi tháng, đội sẽ đi tuần một lần đếm cây gỗ nghiến. Cánh rừng này ở sau làng, với 3 lối ra vào cách nhau vài chục mét nên mỗi khi có tiếng động hoặc ai đó mang theo vật dụng gì lên rừng, người dân đều biết rõ và nếu chặt phá cây thì người dân sẽ báo cho đội tuần tra và chính quyền xã. Nên không ai được mang bất cứ thứ gì ra khỏi rừng, dù chỉ là một nhành củi khô. Nếu không sẽ bị đuổi ra khỏi hội hiếu. Nghĩa là, nếu gia đình gặp tang gia, cả làng không ai tới giúp, không ai đưa tiễn người đã khuất. Nếu có việc cưới xin, dân làng cũng tẩy chay không tới mừng và không làm cỗ giúp”.

Vì thế, hàng trăm năm qua, người dân Đông Đằng không có ai dám phá rừng. Không những thế, ý thức của bà con cũng được nâng cao. Trong thôn có một “lực lượng phản ứng nhanh”, gồm cán bộ thôn, đoàn viên, thanh niên, dân quân sẵn sàng ứng phó với hỏa hoạn, “lâm tặc” hoặc tình trạng xói lở, đá lăn. Là rừng do cộng đồng bảo vệ nên hằng năm bà con được hưởng nguồn chi phí dịch vụ môi trường rừng để bảo vệ rừng.

Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Bắc Quỳnh nói: “Địa phương đã quy hoạch hơn 600ha rừng đặc dụng. Trong đó, rừng nghiến Đông Đằng là vùng lõi được bảo vệ nghiêm ngặt. Xã chúng tôi đã có mô hình du lịch cộng đồng, thực hiện được hơn 10 năm nay. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã quy hoạch rừng nghiến để khách du lịch đến tham quan khu rừng nghiến nguyên sinh này. Qua đó, kích cầu dịch vụ du lịch, tạo thêm sinh kế bền vừng cho bà con, góp phần bảo vệ rừng hiệu quả hơn”.

Rừng nghiến nguyên sinh đã gắn bó với đời sống của người dân thôn Đông Đằng và bảo vệ họ qua các thế hệ. Do vậy, việc giữ gìn, bảo vệ màu xanh rừng nghiến là việc làm chung của người Tày ở Đồng Đằng. Nhờ những giá trị nguyên sinh đó mà khu rừng nghiến trở thành điểm đến thu hút khách du lịch thích khám phá và yêu thích vẻ đẹp hoang sơ.

Thúy Hạnh