Khi công nhân rời phố về quê – Kỳ 3: Các tỉnh miền Tây sẵn sàng đón lao động trở về

Khi công nhân rời phố về quê – Kỳ 3: Các tỉnh miền Tây sẵn sàng đón lao động trở về

Kỳ 3: Các tỉnh miền Tây sẵn sàng đón lao động trở về - Ảnh 1.

Sàn giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm cho công nhân, lao động tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang – Ảnh: MINH KHANG

Chính quyền các tỉnh cũng mong có thêm nhiều khu công nghiệp hơn để giữ chân người lao động, tạo việc làm tại chỗ.

Anh Phan Văn Bốn (phường 4, TP Sóc Trăng) cho hay nghe lời bạn bè rủ rê, anh xin gia đình “thoát ly” lên Long An để trải nghiệm đời sống công nhân.

Tuy nhiên chỉ chưa đầy 10 tháng bám trụ, anh Bốn đã quay trở về nhà. Bình quân lương khoảng 8 triệu đồng/tháng thấy cũng ham, nhưng sau khi trừ tiền thuê phòng trọ và các chi phí khác thì không còn bao nhiêu.

Lũ lượt “bỏ phố về quê”

“Thú thật, nếu tại quê nhà có công việc làm, dù lương có thấp hơn chút ít, chi phí giảm, tôi vẫn thích hơn. Tôi đang liên hệ xin việc tại một nhà máy trong Khu công nghiệp An Nghiệp. Hy vọng sớm có việc làm, có thu nhập góp thêm cho gia đình”, anh Bốn trải lòng.

Còn chị Huỳnh Bích Tuyền (ngụ huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) – đang làm cho một công ty may ở tỉnh Bình Dương – cho biết chị cũng đang thu xếp hành lý và thực hiện các thủ tục để chuyển trường cho con về học ở quê nhà.

Chị Tuyền đã rời Cà Mau lên tỉnh Bình Dương làm công nhân được gần 15 năm nay. Mười mấy năm gắn bó, chị Tuyền ngỡ như mình sẽ trụ lại Bình Dương. Tuy nhiên, gần một năm nay thu nhập bấp bênh, từ 15 triệu đồng/tháng giảm xuống chỉ còn 7 triệu/tháng.

“Cả năm nay công ty ít đơn hàng, chỉ làm cầm chừng, không còn tăng ca nên thu nhập giảm nhiều. Trước mắt về ở cùng với cha mẹ để lo cho con rồi sau đó nhận hàng về may gia công. Đợi khi nào có nhà máy, xí nghiệp nào gần nhà tuyển dụng thì đi làm vì cũng muốn giảm chi phí, gần người thân”, chị Tuyền dự tính.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Chiến – ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang – cho hay gần 5 năm đi làm trong một công ty giày da ở Bình Dương, nay anh đã bỏ phố về quê tìm việc làm khác.

Nếu như vài năm trước thu nhập của anh từ 12 – 15 triệu đồng/tháng, thì bước vào năm 2024 lương giảm mạnh, chỉ còn khoảng 8 triệu đồng/tháng.

Tôi đã về quê được hai tháng nay rồi. Trước mắt, tôi chạy xe ôm công nghệ tại TP Rạch Giá trước. Có thể thu nhập giảm, không bằng ở TP.HCM hay Bình Dương nhưng được làm gần nhà vẫn thích hơn. Từ từ rồi xin vào công ty ở khu công nghiệp tại Kiên Giang luôn.

Nguyễn Văn Chiến – ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

Kỳ 3: Các tỉnh miền Tây sẵn sàng đón lao động trở về - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Thị Phượng (bìa trái, huyện Cái Nước, Cà Mau) hài lòng với quyết định bỏ phố về quê lập nghiệp – Ảnh: THANH HUYỀN

Mong có thêm khu công nghiệp

Từng làm công nhân nhiều năm ở Bình Dương, chị Nguyễn Thị Phượng (xã Trần Thới, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) hiểu được những khó khăn của người lao động xa quê.

Vì vậy, chị Phượng quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu gặp khó khăn do không có vốn đầu tư, về sau chị nhận được hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ từ hội phụ nữ để phát triển nghề đan giỏ xách từ dây nhựa, dây chuối.

Nghề dạy nghề, sản phẩm của chị Phượng làm ra đẹp nên nhiều người đến hỏi mua và các chị em trong xóm ấp tìm đến chị để học nghề.

Chị Phượng kể ban đầu chỉ 1 hoặc 2 người đi học nghề. Những người này sẽ dạy lại nghề cho các thành viên khác, rồi bà con rủ nhau tham gia…

“Nếu chị em sau khi thành thạo các công đoạn thì có thể mua dây về nhà để làm ra sản phẩm. Tùy theo yêu cầu của người đặt mua hoặc sự sáng tạo của mỗi người mà làm ra những kiểu dáng, mẫu mã khác nhau. Mỗi người có thể đan từ 7 – 10 sản phẩm/ngày, kiếm được từ 50.000 – 100.000 đồng”, chị Phượng nói.

Bà Quách Thanh Thoảng – giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Cà Mau – cho hay từ đầu năm đến nay Cà Mau đã giải quyết việc làm cho hơn 45.300 lao động, đạt trên 112% kế hoạch, và tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế hơn 7.100 người.

“Đối với những lao động đã trở về quê nhưng không đăng ký bảo hiểm thất nghiệp thì mình tìm về tận các xã phường nắm lại con số này tìm hiểu nguyện vọng và giúp đỡ họ.

Các nhóm lao động không muốn quay trở lại thị trường lao động thì trung tâm phối hợp với ngân hàng chính sách để hỗ trợ người lao động được vay vốn phát triển kinh tế tại địa phương với nguồn vốn vay từ 20 – 30 triệu”, bà Thoảng cho biết.

Ông Ngô Thanh Toàn – phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng – cho hay Khu công nghiệp An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành) đã giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 – 25.000 lao động. Nếu Sóc Trăng có thêm 3-4 khu công nghiệp hoạt động sẽ giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 100.000 lao động.

“Dịch chuyển lao động diễn ra ở nhiều nơi, nhưng tỉnh mong muốn có thêm nhiều nhà máy, xí nghiệp để người dân của mình không phải đi xa làm ăn.

Do vậy thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến việc cải thiện môi trường đầu tư, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn. Hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện và kết nối với vùng. Khi đó, nhiều khu công nghiệp sẽ mọc lên, tạo thêm cơ hội việc làm cho người dân”, ông Toàn mong mỏi.

Theo ông Nguyễn Đăng Hải, giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2023-2025 tỉnh xúc tiến thủ tục thành lập ba khu công nghiệp gồm các khu công nghiệp Sông Hậu 2, Đông Phú 2 và Tân Hòa.

Từ đó lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đồng bộ hạ tầng ba khu công nghiệp mới, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy, thu hút lao động địa phương và các vùng lân cận.

Ngoài ra còn hỗ trợ đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, bảo đảm sau học nghề người lao động được giới thiệu việc làm, có thu nhập ổn định. “Tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để người lao động trở về địa phương an cư lạc nghiệp”, ông Hải nói.

Hỗ trợ người trẻ trở về Pleiku

Sau hơn 10 năm bon chen theo công việc từ Hà Nội, Đà Nẵng rồi TP.HCM, cách đây 2 năm, anh Trương Đức Thắng quyết định về quê lập nghiệp.

Anh mua 10ha đất bazan trên ngọn đồi xã Hải Yang, huyện Đak Đoa (Gia Lai) để làm nông trại mang tên Green Beli Farm.

Trên 10ha đất đỏ, anh dành một phần trồng thông, phần còn lại trồng bơ và sầu riêng để cung cấp cho người tiêu dùng Hà Nội. Sản phẩm làm ra được bán trực tiếp tới bàn ăn nên có giá tốt và nhu cầu cũng rất cao.

Những người trẻ quay về cao nguyên như anh Thắng không phải là ít. Tại TP Pleiku, một cộng đồng được lập nên để hỗ trợ những người trẻ trở về lấy tên là Pleiku Returnees (người trở về Pleiku).

Anh Nguyễn Hiếu – admin trang – cho hay nhóm mới lập khoảng một năm nhưng đã có hơn 3.000 thành viên tham gia tương tác. Trong đó có nhiều người đã thực sự rời bỏ đô thị lớn để quay về Pleiku lập nghiệp.

Hằng tháng cộng đồng tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, trò chuyện để gắn kết và chia sẻ cho nhau kinh nghiệm ổn định cuộc sống khi trở về. Anh Hiếu cho biết mình đã rời TP.HCM khoảng 6 năm trước về quê lập nghiệp.

Theo anh Hiếu, đa số người lựa chọn trở về quê vì mức sống vừa phải, môi trường trong lành, gần gũi gia đình và không phải căng thẳng, áp lực nhiều như sống ở các đô thị lớn. Đặc biệt là áp lực về nhà ở, chi phí sinh hoạt và nuôi dạy con cái.