Khánh Hòa vừa lên kế hoạch đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư thứ cấp vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa với 14 cụm công nghiệp quy mô 669 ha
Theo quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Khánh Hòa có 14 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích quy hoạch là 669 ha.
Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã có 9 CCN đã được thành lập với tổng diện tích là 362,64 ha. Trong đó, có 7 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng với tổng diện tích 278,35 ha; 2 CCN được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và giao cho Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa quản lý với tổng diện tích 84,29 ha.
Trong số 9 CCN nói trên, có 6 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 117,11 ha/149,96 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 78%; 3 CCN đã thành lập nhưng chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật do gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, các CCN đi vào hoạt động đã sắp xếp, bố trí cho 80 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho khoảng 4.440 lao động tại các địa phương.
Theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn 5 CCN chưa được thành lập, với tổng diện tích 196,81 ha.
Năm CCN nói trên gồm: CCN Khánh Bình; CCN Trảng É 3; CCN Sơn Bình; CCN Cam Thịnh Đông; CCN Cam Thành Nam.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cụm công nghiệp
Theo kế hoạch vừa được phê duyệt, Khánh Hòa sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN đã thành lập như: Diên Thọ, Diện Thọ (giai đoạn 2) – huyện Diên Khánh, Trảng É 2 – huyện Cam Lâm, Ninh Xuân – thị xã Ninh Hòa.
Khánh Hòa phấn đấu đến cuối năm 2024 cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng đối với các CCN nêu trên.
Song song với đó, tỉnh sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các CCN đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, CCN Sông Cầu – Khánh Vĩnh phấn đấu đạt khoảng 45%; CCN và chăn nuôi Khatoco Ninh Ích – thị xã Ninh hòa phấn đấu đạt khoảng 75%.
Để hoàn thành mục tiêu nói trên, kế hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển CCN phù hợp với tình hình thực tiễn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy hoạch xây dựng; huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN; quyết liệt, đồng bộ các giải pháp về thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch; công tác bảo vệ môi trường, nguồn lao động;…
UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư CCN trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nội dung quản lý, phát triển CCN; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của các chủ đầu tư CCN để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời.