Chủ hàng ở thế… lép
Mới đây, mạng xã hội xôn xao sự việc chủ một cửa hàng trực tuyến (shop online) trên sàn điện tử Shopee phải “kêu trời”, vì chính sách cho phép khách hàng đổi trả hàng miễn phí trong vòng 15 ngày mà không cần xét duyệt.
Chủ cửa hàng, chị K.H., cho hay sự việc xảy ra khi một vị khách nữ đặt mua bộ bikini, nhưng sau một thời gian lại trả hàng với lí do “size (kích cỡ) quá rộng, không giống với mô tả”. Tuy nhiên, khi nhận hàng bị hoàn trả, chị H. mới phát hiện bộ bikini đã được sử dụng, đũng quần thậm chí để lại vết ố vàng.
Bài phản ánh của chủ shop K.H. thu hút sự chú ý và phẫn nộ của cư dân mạng (Ảnh chụp màn hình).
Được biết, chị đã cố gắng liên hệ với vị khách nữ nhưng người này liên tục từ chối, không trả lời. Chị H. chia sẻ trước đó, chị đã nhiều lần khiếu nại với Shopee trường hợp khách hoàn trả hàng vô lý nhưng không thành công. Hàng bị hoàn trả chẳng những không thể bán được, chị H. còn phải chịu phí hoàn hàng 20-40.000 đồng/đơn.
Để phản ánh tình trạng trên, chị H. quyết định đăng tải sự việc lên mạng xã hội, kèm cả ảnh chụp facebook của vị khách đã mua bộ bikini, diện đồ và “pâu” hình ở biển. Sau khi sự việc gây rúng động, vị khách nữ trong sự việc mới lên tiếng xin lỗi, đồng thời phía sàn Shoppee cũng liên hệ để hoàn tiền cho cửa hàng.
Chị Huyền (ngụ tại TP Hà Nội), chủ shop chuyên kinh doanh tóc giả, cho hay thời gian qua, cứ 10 đơn, chị lại nhận về 1 đơn hoàn trả vô lý. Những vị khách này thường chờ đến gần hết 15 ngày theo quy định thì mới hoàn trả. Mặc dù số lượng đơn bị hoàn trả không nhiều, nhưng đã tăng so với trước và gây bức xúc cho chị.
Chị Huyền chia sẻ, chị phát hiện hàng bị hoàn trả đã được dùng rồi vì mùi lạ trên những bộ tóc giả. Tuy nhiên, vì không thể phản ánh mùi lạ này qua hình ảnh, video nên không ít lần chị đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Nhiều chủ shop còn bị tráo hàng, nhận lại rác (Ảnh: S.T.).
“Tóc giả bên tôi có giá từ 1 đến 7 triệu đồng/bộ. Nói là tóc giả nhưng được nối bằng những sợi tóc thật, người thợ phải mất nhiều ngày mới làm xong 1 bộ.
Vậy mà có những vị khách lợi dụng chính sách đổi trả, đem về dùng để đi tiệc, đi chơi chán chê rồi mang trả lại cho shop. Thuê một bộ tóc giả còn phải tốn vài trăm nghìn đồng, còn đằng này, họ được sử dụng chán chê mà không mất gì”, chị Huyền bức xúc.
Không những vậy, có những khách yêu cầu nhuộm lại tóc theo nhu cầu, nhưng cuối cùng cũng hoàn trả khiến chị Huyền khó bán lại cho người khác.
Tiểu thương tìm cách rời sàn
Để tránh việc bị hoàn trả vô lý, chị Huyền đành mất nhiều thời gian, công sức hơn để quay video làm bằng chứng trước khi giao hàng. Tuy nhiên, mọi việc vẫn không mấy khả thi.
Chị Thiên Thanh (ngụ tại TPHCM), chủ shop chuyên doanh thời trang, cũng gặp tình trạng tương tự. Chị Thanh cho hay, lượng đơn hàng bị hoàn trả vô lý chiếm 30% số lượng đơn bán ra. Trong đó, có những món hàng đã được sử dụng, có mùi hôi hoặc sợi vải bị biến dạng do giặt bằng máy. Đôi lúc, chị còn bị khách tráo món hàng ban đầu rồi mang trả lại.
Chị Thanh mệt mỏi khi số lượng đơn bị hoàn về tăng so với trước thời điểm ban hành chính sách đổi trả (Ảnh: NVCC).
“Sau khi khiếu nại lại với Shopee, đa phần tôi sẽ được hoàn tiền đối với những món hàng bị hoàn trả vô cớ. Tuy nhiên, có nhiều đơn không được hoàn tiền mà chủ shop còn bị trừ phí vận chuyển trên mỗi đơn hàng hoàn về.
Tôi còn phải chịu tổn thất về chi phí đóng gói. Quá trình khiếu nại, xử lý cũng mất thời gian, tạo cảm giác ức chế”, chị Thanh nói.
Về quy định khiếu nại đơn hàng bị hoàn trả dành cho người bán, sàn thương mại điện tử chỉ cho thời gian 2 ngày. Trong trường hợp hàng bị thất lạc, giao chậm, chủ shop sẽ không còn quyền khiếu nại nữa.
Bán hàng trên ứng dụng này hơn 8 năm, chị Thanh bộc bạch, ngày nay số lượng người bán ngày càng nhiều làm tăng tính cạnh tranh. Tình hình kinh doanh không còn tốt như trước, mỗi đơn hàng không lãi được nhiều.
Giờ đây, chị Thanh còn mất nhiều thời gian, công sức quay video từng món hàng nhỏ, để bảo vệ uy tín của shop. Nếu quên quay video, quá trình kiểm hàng trả về, các chủ shop đành “mất trắng”.
Theo điều kiện yêu cầu hoàn trả hàng/hoàn tiền của Shopee, người mua được trả hàng khi thay đổi nhu cầu mua sắm (Ảnh chụp màn hình).
Thấy sơ hở của chính sách đang tạo cơ hội cho khách hàng gian lận, chị Thanh đành nghĩ đến chuyện sẽ đổi sang bán ở sàn thương mại điện tử khác.
“Khách hàng đã quen mua ở sàn này rồi nên việc chuyển sang sàn khác cũng là cả một vấn đề. Dạo gần đây, tôi cũng đang tập làm quen và chuyển dần sang sàn mới, nhưng mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu. Nếu cứ tiếp tục thế này, chủ shop như tôi đành phải chịu thiệt để tồn tại”, chị Thanh ngán ngẩm.