Thu-chi bảo hiểm thất nghiệp qua các năm
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2009 đến nay, thu, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thực hiện theo đúng quy định. Kết dư Quỹ đảm bảo cân đối tài chính, chi trả các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Theo đó, số thu bảo hiểm thất nghiệp tăng dần qua các năm. Nếu năm 2009, Quỹ thu về là 3.510 tỷ đồng thì đến năm 2023 chạm mốc 23.003 tỷ đồng. Bình quân tăng 9%/năm trong giai đoạn 2015-2023.
Cùng với đó, số người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm xã hội tăng. 3 tháng đầu năm 2024, cả nước có 14,244 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Công tác thu, chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp qua các năm (Ảnh chụp màn hình).
Sau hơn 9 năm thực hiện Luật, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp bình quân hằng năm tăng 6,08% và tỷ lệ số người tham gia so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 31,6% (năm 2023).
Cụ thể, năm 2010, Quỹ chi cho các chế độ bảo hiểm này là 457 tỷ đồng. Riêng năm 2021, số chi bảo hiểm thất nghiệp tăng vọt lên 47.807 tỷ đồng do thực hiện hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động ảnh hưởng dịch Covid-19.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, giai đoạn năm 2010-2020, số thu luôn vượt số chi, thể hiện qua hết năm 2020, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp gần 90.000 tỷ đồng.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số chi bảo hiểm thất nghiệp cao hơn số thu rất nhiều. Sau đó, các năm 2022 và năm 2023, số thu – chi bảo hiểm thất nghiệp đã tiệm cận nhau. Tính đến hết năm 2023, số tiền kết dư Quỹ khoảng 59.357 tỷ đồng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, các quy định về tham gia, thời gian đóng và hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện chính sách này, nhất là giải quyết các chế độ cho người thất nghiệp.
Luật Việc làm đã quy định cụ thể đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với việc mở rộng đối tượng so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, góp phần mở rộng diện bao phủ của chính sách.
Quy định “cứng” về mức đóng
Tuy nhiên, báo cáo tổng kết thi hành Luật cho thấy, Luật chưa bao phủ hết tất cả đối tượng có quan hệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định người lao động có hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên là đối tượng tham gia.
Do đó, người lao động có hợp đồng từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng không thuộc nhóm tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Song nhóm này vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cùng với đó, đây vốn là đối tượng có nguy cơ mất việc làm cao.
Luật này cũng chưa có quy định về người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đơn vị tính: Triệu người, %
Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2015-2023 (Đồ họa: Hoa Lê).
Bên cạnh đó, Luật Việc làm quy định “cứng” mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động.
Do đó, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, quy định “cứng” trên chưa thực sự đảm bảo tính “linh hoạt” của chính sách này với vai trò là một trong các công cụ để quản trị thị trường lao động, nhất là trước các “cú sốc” như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng, suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, Luật Việc làm quy định mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa bằng 20 lần tháng lương cơ sở là không còn phù hợp với định hướng trong giai đoạn tới về thực hiện chủ trương bỏ mức lương cơ sở.
Theo báo cáo, hiện nay, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp. Điều này dẫn đến việc hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp sai quy định.
Đồng thời, một số người lao động có việc làm trong thời gian chờ hưởng hoặc thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không thông báo theo quy định, dẫn đến phải thu hồi.
Thêm nữa, Luật Việc làm chưa có các quy định về chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp thực hiện các nhiệm vụ tại Trung ương và địa phương, trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước hầu như không được bố trí.
Trước những mặt được và hạn chế từ việc thi hành luật trong thời gian qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã lấy ý kiến về dự thảo Luật Việc làm sửa đổi vào tháng 3/2024.