Huyện Sông Mã, Sơn La: Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến

Huyện Sông Mã, Sơn La: Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến

04/03/2023 07:13

(PLVN) –  Sau 70 năm xây dựng và phát triển, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã có bước chuyển mình mạnh mẽ; kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, đời sống nhân dân các dân tộc ngày càng nâng cao rõ rệt…

Cách đây 70 năm, ngày 7/3/1953, Khu ủy Tây Bắc quyết định thành lập châu Sông Mã (nay là huyện Sông Mã), thuộc tỉnh Sơn La. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vùng biên giới hẻo lánh, có vị trí xung yếu của khu vực Tây Bắc.

Huyện Sông Mã, Sơn La: Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến ảnh 1

Ông Hoàng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại buổi lễ.

Khi mới thành lập, châu Sông Mã tuy chỉ có khoảng khoảng 15.000 người (2.400 hộ) nhưng vẫn có những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Bà con các dân tộc trên địa bàn đã tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động; chi viện cao nhất cho chiến trường C.

Thực hiện chủ trương của Trung ương về điều chỉnh một phần nhân lực ở miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới ở miền núi, năm 1961, Sông Mã đã đón đồng bào huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên lên phát triển kinh tế. Những năm tiếp theo, Sông Mã tiếp tục đón đồng bào Hưng Yên, Hà Tây lên thành lập các hợp tác xã và các đội nông trường ở các xã dọc dòng Sông Mã.

Hiện nay, huyện Sông Mã có 18 xã, 1 thị trấn gồm 331 bản, tổ dân phố với hơn 160.000 người thuộc 6 dân tộc chủ yếu. Huyện có đường biên giới dài hơn 43,5 km, giáp với huyện Mường Ét, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào) và có cửa khẩu quốc gia Chiềng Khương.

Huyện Sông Mã, Sơn La: Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến ảnh 2

Ông Hoàng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chuyển trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ huyện Sông Mã.

Bước vào thời kỳ đổi mới, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, nhân dân các dân tộc trong huyện đã chung sức đồng lòng phát triển mạnh kinh tế-xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no. Đảng bộ và chính quyền huyện Sông Mã đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào điều kiện thực tế của địa phương, tập trung mọi nguồn lực của Nhà nước và phát huy nội lực để đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ.

Nhờ đó, kinh tế của huyện liên tục phát triển khá. Hiện nay, huyện Sông Mã có 10.662ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 90.000 tấn quả/năm. Đặc biệt, huyện đã tạo được vùng chuyên canh cây nhãn với diện tích trên 7.500 ha, với hơn 71.000 tấn quả chất lượng cao và được cấp chứng nhận bảo hộ; đã xây dựng 2.762 lò chế biến long nhãn phục vụ xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng trong và ngoài nước, bước đầu tiếp cận được các thị trường tiềm năng như châu Âu, châu Úc…

Huyện Sông Mã, Sơn La: Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến ảnh 3

Một góc huyện Sông Mã hôm nay.

Thu ngân sách trên địa bàn huyện bình quân từ năm 2020 đến nay đạt 131 tỷ đồng/năm và luôn vượt dự toán của tỉnh giao. Riêng năm 2022 đạt 197 tỷ đồng (vượt 29% dự toán tỉnh giao). Hoạt động thương mại dịch vụ được duy trì ổn định, công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản được quan tâm, đẩy mạnh.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn được chú trọng đầu tư. Với tổng cộng 53 trường học (trong đó 47 trường đạt chuẩn quốc gia), huyện đã duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học – xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 99%…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập huyện Sông Mã (7/3/1953-7/3/2023) vào hôm qua (2/3), ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ghi nhận và biểu dương những thành tựu mà huyện Sông Mã đã đạt được; đồng thời đề nghị Đảng bộ huyện Sông Mã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến tạo ra các sản phẩm hàng hoá đặc trưng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là các loại cây ăn quả. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao, coi trọng giáo dục văn hóa, truyền thống, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Tiếp tục nâng cao mức sống, thu nhập và công ăn việc làm cho người dân.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập huyện, huyện Sông Mã đã tổ chức công bố xã Mường Lầm đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; Khánh thành trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Mường Lầm; khai trương Trung tâm điều hành thông minh huyện Sông Mã (IOC) và tổ chức khánh thành tuyến đường Hùng Vương, Quảng trường 3/2 và cầu tổ 5.