Nghệ An hiện có 1,6 triệu lao động với khoảng 50.000 người gia nhập thị trường lao động mỗi năm. Tuy nhiên, một phần lớn lao động của tỉnh đang làm việc ngoài địa phương, gây ra những thách thức lớn cho thị trường lao động trong tỉnh.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, đến cuối năm 2024, ước tính có khoảng 700.000 lao động Nghệ An làm việc ngoại tỉnh và 80.000 lao động làm việc ở nước ngoài. Chỉ có khoảng 350.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài (Ảnh: Nguyễn Thành).
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do mức lương và thu nhập tại Nghệ An thấp hơn so với các vùng kinh tế trọng điểm khác, trong khi chi phí sinh hoạt lại cao. Điều này khiến nhiều lao động lựa chọn rời quê hương để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Trong bối cảnh đó, Nghệ An đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), với nhiều doanh nghiệp lớn sắp đi vào hoạt động, dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. Tuy nhiên, tỉnh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư.
Trước tình hình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành chỉ thị nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, giải quyết việc làm và thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước và FDI giai đoạn 2025-2030.
Nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử tại Nghệ An tăng cao trong thời gian tới do nhiều “ông lớn” công nghệ đầu tư (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).
Chỉ thị yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tập trung truyền thông, vận động và xúc tiến thu hút lao động từ các tỉnh, thành phố khác về làm việc tại Nghệ An. Đồng thời, cần làm tốt công tác dự báo nhu cầu lao động và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu rà soát số lượng lao động trên địa bàn từng xã, phường, thị trấn để thực hiện thông tin, kết nối cung cầu, thu hút lao động vào các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Tỉnh Nghệ An tổ chức kết nối, giới thiệu việc làm cho quân nhân xuất ngũ (Ảnh: Hoàng Quỳnh).
Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề phù hợp với quá trình thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI trong chuỗi cung ứng toàn cầu về điện tử và năng lượng xanh.
Theo kế hoạch, các địa phương sẽ thành lập Ban chỉ đạo kết nối cung – cầu lao động từ cấp tỉnh đến cấp xã để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động.