Hỏi: Anh T là bảo vệ của bệnh viện, thấy anh H đang hút thuốc tại hành lang bệnh viện nên đã nhắc nhở và yêu cầu anh H tắt thuốc. Tuy nhiên, anh H cho rằng hành lang không có biển hiệu cấm thuốc lá và hiện tại cả dãy hành lang không có người nên không ảnh hưởng đến ai. Vậy hành vi của anh H có vi phạm pháp luật không?
Trả lời: Theo Điều 11, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn như sau:
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:
a) Cơ sở y tế;
b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 dưới đây;
c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:
a) Nơi làm việc;
b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;
c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 nêu trên và khoản 1 Điều 12 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm: Khu vực cách ly của sân bay; quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa).
3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, hành vi của anh H là vi phạm pháp luật vì bệnh viện là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên.
Hỏi: Anh C vừa mở cơ sở vui chơi, giải trí dành cho trẻ em. Theo anh được biết, cơ sở là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên. Vậy anh có quyền và trách nhiệm gì trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá?
Trả lời: Theo Điều 14 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá như sau:
1. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có các quyền sau đây:
a) Buộc người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
b) Yêu cầu người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá ra khỏi cơ sở của mình;
c) Từ chối tiếp nhận hoặc cung cấp dịch vụ cho người vi phạm quy định cấm hút thuốc lá nếu người đó tiếp tục vi phạm sau khi đã được nhắc nhở.
2. Người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quy định tại Điều 6 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cụ thể:
– Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ.
– Đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước.
– Gương mẫu thực hiện và vận động cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá;
b) Tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc mọi người thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành; treo biển có chữ hoặc biểu tượng cấm hút thuốc lá tại địa điểm cấm hút thuốc lá.
Như vậy, anh C sẽ có quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định nêu trên.
Hỏi: Khi kiểm tra cơ sở lưu trú du lịch của ông N, đoàn phát hiện không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá. Vậy hành vi của ông N có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Trả lời: Theo Điều 23 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá bị xử phạt như sau:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
b) Bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút thuốc lá tại những địa điểm được phép hút thuốc lá.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá;
b) Không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình;
c) Không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây tại nơi dành riêng cho người hút thuốc lá:
a) Không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá;
c) Không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát;
d) Không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
Căn cứ quy định nêu trên, hành vi của ông C sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Hỏi: Cửa hàng tạp hóa của chị Lan trưng bày nhiều loại sản phẩm khác nhau như sữa, bánh , kẹo, nước ngọt..trong đó còn trưng bày các loại thuốc lá khác nhau. Vậy hành vi trưng bày các loại thuốc lá của chị Lan có bị xử phạt vi phạm hành chính không?
Trả lời: Theo Điều 24 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về hành vi vi phạm quy định về bán thuốc lá bị xử phạt như sau:
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc lá khi chưa đủ 18 tuổi.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Trưng bày quá một bao hoặc một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá;
b) Bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá theo quy định của pháp luật.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thu hồi thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá đối với hành vi quy định tại Điểm b khoản 2 nêu trên.
Căn cứ quy định nêu trên, hành vi trưng bày các loại thuốc lá của chị Mai sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
NN