Ngày 31/5, thành phố Hội An, Quảng Nam đã tổ chức tọa đàm “Hội An – làng nghề lên số”. Sự kiện này nằm trong chuỗi hoạt động của “Nét hoa nghề Hội An” lần thứ 3, năm 2024.
Hội An nổi tiếng với di sản văn hóa phong phú, trong đó có hơn 50 nghề truyền thống, góp phần vào giá trị toàn cầu của đô thị cổ này.
Tiếp thị kỹ thuật số là một lối mở để làng nghề truyền thống tìm kiếm “làn gió mới” (Ảnh: TP Hội An).
Việc Hội An gia nhập Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, đánh dấu sự chuyển mình của các làng nghề.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết phần lớn sản phẩm từ các nghề/làng nghề tại đây chủ yếu phục vụ du lịch và gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra.
Tiếp thị kỹ thuật số được xem là giải pháp giúp đưa sản phẩm làng nghề ra toàn cầu, nâng cao doanh số, tiết kiệm chi phí.
Công nghệ 4.0 giúp các nghề/làng nghề tiếp cận đa dạng khách hàng, tiêu thụ sản phẩm tối ưu hơn (Ảnh: TP Hội An).
Đại diện lãnh đạo thành phố Hội An chia sẻ: “Trong thời đại số này, làm thế nào để các nghề thủ công Hội An chuyển mình và phát triển hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm làng nghề là những điều còn băn khoăn, trăn trở với chính quyền thành phố”.
Tọa đàm “Hội An – làng nghề lên số” kết nối các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, nghệ nhân và thợ thủ công để thảo luận và đề xuất giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu chuỗi giá trị làng nghề.
Ông Trần Cao Trí, đại diện Công ty Công nghệ Haravan, nhấn mạnh các làng nghề cần có câu chuyện thương hiệu hấp dẫn, kết hợp yếu tố văn hóa truyền thống với sáng tạo hội nhập để thuyết phục khách hàng. Ông cũng khuyến nghị việc xây dựng website chính danh và đa dạng hóa kênh bán hàng.
An Bui, chuyên gia marketing của Tik Tok Việt Nam, cho biết nhu cầu kết nối cảm xúc thông qua nội dung ngày càng tăng. Tik Tok là nền tảng sáng tạo lớn mà các làng nghề thủ công truyền thống cần khai thác hiệu quả.