Có mặt tại chương trình, một học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh thắc mắc về cơ hội việc làm của các ngành thuộc khối công nghệ thông tin (CNTT). Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin và truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ: “Về khối ngành này, trường tuyển sinh theo các nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin. Năm nhất học kiến thức chung, năm 2 sẽ lựa chọn chuyên ngành, ngoài ra thí sinh có thể chọn chương trình khoa học máy tính 100% tiếng Anh với giáo trình của Mỹ, đây là chương trình tiên tiến nên số điểm đầu vào rất cao. Bên cạnh đó các em cũng có thể xét ngành trí tuệ nhân tạo”.
Hàng ngàn học sinh có mặt tại chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên
Về cơ hội việc làm, thạc sĩ Vũ cho biết thị trường lao động khối ngành này đang thiếu hụt rất lớn, đặc biệt ở nguồn nhân lực chất lượng cao. “Không chỉ các tập đoàn CNTT cần tuyển dụng mà rất nhiều lĩnh vực khác cũng cần lực lượng nhân lực giỏi CNTT để có thể ứng dụng cụ thể như tài chính, kinh tế, du lịch, nông nghiệp… Các ngành đang rất hot và nhu cầu rất cao gồm kỹ thuật phần mềm, trí tuệ nhân tạo, toán, điện tử viễn thông… Các em sẽ làm ở các vị trí công việc về kiểm định chất lượng sản phẩm, lập trình nhúng, quản lý dự án, chuyên gia kỹ thuật…”, thạc sĩ Vũ thông tin thêm.
Một học sinh khác băn khoăn ngành kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế có sự khác biệt gì. Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, lưu ý: “Thông tư 09 danh mục mã ngành của Bộ GD-ĐT có các ngành kinh tế, kinh tế học, kinh tế công, kinh tế phát triển… đào tạo chuyên kiến thức về kinh tế vĩ mô. Kinh tế quốc tế sẽ học về nền kinh tế Việt Nam trong tổng thể nền kinh tế thế giới. Ngành kinh doanh quốc tế hẹp hơn học các kiến thức của một doanh nghiệp để thực hiện hoạt động kinh doanh mang yếu tố toàn cầu như hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại quốc tế”.
Theo tiến sĩ Hải, cơ hội việc làm của khối ngành kinh doanh quốc tế đa dạng hơn, học xong có thể làm việc trong các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, công ty nước ngoài hoặc các công ty Việt Nam thực hiện các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Học sinh Đà Nẵng quan tâm đến nhiều ngành nghề và cơ hội việc làm
Về ngành Đông Phương học mà học sinh quan tâm, thạc sĩ Bùi Quang Trung, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết đây là ngành học giúp người học tìm hiểu về văn hoá, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội của Hàn Quốc và Nhật Bản. “Ngành này cơ hội việc làm cũng rất lớn, các em có thể làm phiên dịch cho các cơ quan Nhật và Hàn, làm chuyên viên trong các cơ quan nghiên cứu hoặc giảng dạy ở các trường ĐH…”, thạc sĩ Trung cho hay.
Nguyễn Thu Nga, học sinh Trường THPT Ngô Quyền, thắc mắc ngành dược được đào tạo, thực tập và việc làm thế nào? Thạc sĩ Bùi Quang Trung giải đáp: “Đây là một ngành hot trong những năm gần đây, học xong khi các em thành dược sĩ thì có thể mở nhà thuốc riêng, làm việc tại các công ty nghiên cứu về dược, công ty sản xuất thuốc, hoặc làm việc tại các chuỗi cửa hàng thuốc”.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý thêm thí sinh muốn xét tuyển ngành dược cần đáp ứng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định. Theo đó, điểm mỗi môn xét tuyển tối thiểu phải đạt 8 điểm, tốt nghiệp lớp 12 loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8.0 trở lên.
“Hậu Covid-19, người dân rất lo lắng về sức khỏe, vì thế học sinh cũng quan tâm đến các ngành này nhiều hơn do cơ hội việc làm luôn rộng mở. Trường ĐH Duy Tân hiện dành 900 chỉ tiêu cho các ngành y dược”, tiến sĩ Hải chia sẻ..