Nhàn, Hà và Hương lùng sục tìm đề thi thử, chật vật với môn Toán, Lý bằng tiếng Trung, khi các đại học nước này bất ngờ yêu cầu thi tuyển, thay vì chỉ xét học bạ.
Cách đây vài ngày, Hoàng Thanh Nhàn, lớp 12 trường THPT Đồng Hỷ, Thái Nguyên, nhận tin Đại học Giao thông Tây Nam yêu cầu phải thi đầu vào, với môn Toán và tiếng Trung thương mại. Nữ sinh trước đó nộp hồ sơ ứng tuyển học bổng vào ngành Giao thông vận tải.
“Từ giờ đến lúc thi chỉ còn hơn 20 ngày trong khi em chưa biết dạng đề và ôn gì”, Nhàn cho hay.
Phạm Hà cũng đang rối bời khi phải thi hai môn tương tự. Hà ứng tuyển ngành Kinh tế của Đại học Khoa học Kỹ thuật Hoa Trung. Hôm 4/5, trường gửi mail báo lịch thi vào 25/5.
“Em hơi sợ vì chưa biết nội dung đề thi ra sao. Học sinh còn không được dùng máy tính khi thi Toán”, Hà nói.
Hà tốt nghiệp THPT năm ngoái, học Đại học Ngoại thương một kỳ nhưng bảo lưu để theo đuổi ước mơ du học Trung Quốc. Hồi tháng 3, nữ sinh sang học tiếng một kỳ tại Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh để chuẩn bị hồ sơ. Suốt một năm chỉ tập trung học tiếng, giờ phải thi Toán, nữ sinh Hải Phòng hoang mang.
Chưa nhận được thông báo nhưng Hoàng Quỳnh Hương, ở Hà Nội, sốt ruột vì có thông tin trường em ứng tuyển là Đại học Giao thông Tây An nằm trong danh sách phải thi đầu vào.
Nhàn, Hà và Hương là ba trong nhiều học sinh dự định du học Trung Quốc năm nay, bối rối trước thông tin phải thi đầu vào đại học.
Trên các diễn đàn du học Trung Quốc, các bài đăng về kỳ thi thu hút từ hàng trăm đến hàng nghìn lượt tương tác. Hầu hết hỏi về đề thi mẫu của các trường và kinh nghiệm ôn tập.
Khuôn viên Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Shanghai Jiao Tong University Fanpage
Trung Quốc là một trong những điểm đến thu hút học sinh Việt Nam nhất hiện nay. Tính đến tháng 9/2022, hơn 22.000 sinh viên người Việt theo học tại đây, theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam. Lợi thế của du học Trung Quốc là gần về địa lý, chi phí rẻ (khoảng 100 triệu đồng một năm, cả sinh hoạt phí), nguồn học bổng phong phú từ chính phủ, địa phương và các trường.
Trả lời VnExpress chiều 5/5, người phụ trách giáo dục của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam xác nhận bắt đầu từ năm nay, du học sinh sẽ thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào đại học ở nước này. Cách đây một tháng, Quỹ học bổng chính phủ (CSC) thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo kỳ thi được tổ chức chung trong tháng 5 và 6, áp dụng với hệ cử nhân ở 142 trường.
Kỳ thi gồm môn tiếng Trung chuyên ngành (Khoa học xã hội, Kinh tế – Thương mại, Khoa học – Kỹ thuật và Y học) và môn cơ sở (Toán, Vật lý, Hóa học). Tuy nhiên, tùy yêu cầu của mỗi ngành, môn thi sẽ khác nhau.
Những thí sinh ở nước ngoài được thi trực tuyến tại nhà, vào một trong hai đợt là 25-26/5 và 1-2/6. Ở Trung Quốc, thí sinh có thể thi trực tiếp trên máy tại trường.
Các trung tâm du học Trung Quốc tại Việt Nam nói thông tin trên chưa được công bố rộng rãi. Họ chỉ biết qua đối tác hoặc qua email các trường gửi cho ứng viên, vài ngày trước.
Bà Đinh Thị Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Du học và Đào tạo Ngoại ngữ Trác Việt, Hải Phòng, cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức kỳ thi đại học cho du học sinh ở quy mô lớn. Những ngày qua, bà liên tục nhận được tin nhắn của học trò, nói lo lắng vì không được thông báo sớm và chưa biết ôn luyện ra sao.
“Học sinh bị động hoàn toàn”, bà Bình nhận định.
Theo ông Trần Anh Chung, Phó giám đốc Du học Trung Quốc Vimis, thực tế, đề xuất có thêm một kỳ thi đầu vào đã được đưa ra tại Đại hội tiếng Trung hồi tháng 10/2023 ở Bắc Kinh. Ông cho rằng mục đích là để sàng lọc ứng viên, tạo sự cân bằng trong xét tuyển giữa các trường.
Ông Trung lý giải trước đây, điểm trung bình học tập (GPA) và chứng chỉ năng lực tiếng Trung HSK là tiêu chí để các trường xét tuyển. Tuy nhiên, do có quá nhiều hồ sơ đạt HSK 6 (cấp cao nhất) và GPA gần như ngang nhau nên các trường cần thêm căn cứ để lựa chọn. Hơn nữa, một số trường vì ít hồ sơ nộp vào nên học sinh chỉ cần HSK3 đã đỗ học bổng chính phủ, trong khi ở nhiều trường khác, điểm tối đa vẫn bị loại.
Tuy học sinh có thể bất ngờ, hụt hẫng nhưng việc này cũng tránh cho các em rơi vào thế khó sau này.
“Nhiều em nộp ngành Kinh tế nhưng không có nền Toán, Lý, Hóa tốt, khi vào học chuyên ngành bằng tiếng Trung không theo nổi và mất học bổng”, ông Trung nói.
Do lần đầu tổ chức, các chuyên gia chưa đánh giá được mức độ khó của đề thi. Trước mắt, thí sinh nên xem lại kiến thức cấp 3 ở các môn Toán, Lý, Hóa hoặc tham khảo kinh nghiệm của người đi trước và đề thi các trường.
Nhàn, Hà và Hương đã lên mạng sưu tầm đề của một số trường từng tổ chức thi đầu vào để tự luyện. Theo các học sinh, khó khăn nhất là đọc hiểu các thuật ngữ chuyên ngành bằng tiếng Trung.
Làm thử đề tiếng Trung thương mại của Đại học Giao thông Thượng Hải, Nhàn choáng vì nhiều từ chưa từng gặp. Trong 90 phút, thí sinh phải thi cả Nghe, Đọc, Viết, với chủ đề rộng như giao tiếp văn phòng, công xưởng…. Nhàn phải vừa làm vừa đoán, hoặc tra từ điển để dịch từ mới nên mất thời gian.
“Làm xong, em viết từ nhiều lần để thuộc”, Nhàn nói. “Mỗi tối em học được 50 từ, hôm sau ôn lại”.
Đề Toán với thời gian tương tự gồm 22 câu trắc nghiệm và tự luận, trải dài kiến thức ba năm THPT. Một số phần được giảm tải trong chương trình Việt Nam như elip nhưng vẫn có trong đề. Do đó, ngoài một câu về lượng giác, nữ sinh phải bỏ qua câu này.
Ngoài hai môn trên, Hương ở Hà Nội phải thi thêm Vật lý. Làm thử đề của Đại học Phúc Đán và Giao thông Thượng Hải, Hương cũng chật vật vì từ mới. Chẳng hạn, để dịch sát được câu về sóng ánh sáng có nhiễu xạ, giao thoa, nữ sinh phải tra nhiều từ điển.
“Thuật ngữ quá nhiều mà thời gian gấp nên em không ôn hết được”, Hương nói.
Hàng ngày, Hương luân phiên luyện làm Toán và Lý bằng tiếng Trung. Nhàn và Hà nhiều hôm thức đến 2-3h sáng để học.
Việc phải thi tuyển không làm thay đổi kế hoạch du học của Hương. Nếu không đỗ, em dự định gap year (tạm nghỉ) rồi cải thiện hồ sơ để năm sau nộp. Hương vẫn có thể về Việt Nam học tiếp ở Ngoại thương.
Nhàn đã chuẩn bị sẵn phương án dự phòng. “Bố mẹ khuyên em vẫn nên thi đại học ở Việt Nam, dù có nộp hồ sơ xin học bổng. Vì thế, em không lơ là việc ôn luyện trên lớp”, Nhàn nói.
Bình Minh