“Người lao động không nên vì lợi ích trước mắt mà quá quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, cơ cấu cung – cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay thì việc lựa chọn học những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường sẽ là chiếc “phao cứu sinh” cho người lao động.”- TS Nguyễn Thị Lan Hương- Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nói.
Chị Phan Thị Luyến (Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) từng là nhân viên kinh doanh của một hệ thống phân phối thiết bị gia dụng. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 kéo dài khiến doanh thu của công ty èo uột, thu nhập của tất cả nhân viên đều giảm mạnh. Thời điểm Hà Nội giãn cách xã hội chị cũng xin nghỉ việc. Khi đi làm hồ sơ đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp chị được tư vấn học nghề để chuyển đổi công việc.
“Thay vì mỗi tháng nhận gần 3 triệu đồng tiền bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký học nghề tôi được hỗ trợ học nghề với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Học xong sẽ được giới thiệu việc làm, cơ hội việc làm sẽ mở rộng hơn. Chính vì thế tôi quyết định học khóa đào tạo nghề kỹ thuật chế biến món ăn 3 tháng. Học xong tôi được giới thiệu việc làm phụ bếp trong một nhà hàng trên đường Lê Văn Lương với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Được bao ăn hai bữa, đi làm cũng gần nhà, do đó quyết định học nghề để chuyển việc với tôi là hợp lý. Sau này nếu không đi làm nữa thì với vốn nghề, cùng kinh nghiệm tôi có thể tự mở một quán ăn để kinh doanh cũng được”, chị Luyến cho biết.
Cùng lớp học nghề với chị Luyến hầu hết là lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch. Với nghề này nếu không đi làm thì người học hoàn toàn có thể mở cửa hàng nho nhỏ bán đồ ăn sáng là bún, phở hay cơm văn phòng. Còn nếu đi làm thì hiện nay nhu cầu tuyển nhân viên nấu ăn trong các doanh nghiệp, trường học hoặc các bếp ăn nhà hàng, khách sạn cũng rất nhiều với thu nhập trung bình từ 7 – 10 triệu đồng/tháng.
Nghề nấu ăn được rất nhiều lao động lựa chọn do thời gian học ngắn, cơ hội tìm việc làm cao
Một trong 4 quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là được hỗ trợ đào tạo nghề khi thất nghiệp để sớm quay trở lại thị trường lao động. Hỗ trợ học nghề bảo hiểm thất nghiệp được xác định là một trong những biện pháp giúp cho người lao động được đào tạo nghề, tạo ra cơ hội để họ chuyển đổi nghề nghiệp, sớm quay lại tham gia vào thị trường lao động, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, trên thực tế, số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp mặc dù thời gian qua, để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho nhóm lao động đặc thù này, Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tăng từ 1 triệu lên 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo các quy định hiện hành, việc giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện tại các rung tâm dịch vụ việc làm. Khi đến đây, những lao động có nhu cầu sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Với người có nhu cầu học nghề, các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu cho họ những ngành, nghề phù hợp tại cơ sở dạy nghề uy tín, để họ chủ động lựa chọn. Các ngành nghề dành cho người lao động đăng ký tham gia học rất đa dạng. Nhiều ngành nghề đang rất phù hợp với thị trường lao động hiện nay như: Kỹ thuật chế biến món ăn, kỹ thuật pha chế đồ uống, tin học văn phòng, may công nghiệp, lái xe, làm bánh…
Mặc dù học nghề có rất nhiều lợi thế để chuyển đổi công việc, sớm quay lại thị trường lao động như thế nhưng hiện hầu hết lao động chỉ quan tâm đến hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không quan tâm đến việc học nghề. Lý giải cho việc rất ít lao động không quan tâm đến học nghề, TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, những lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động phổ thông, đa số không có tích lũy về kinh tế nên không có điều kiện để học nghề mới với mức hỗ trợ học nghề hiện nay còn hạn chế. Hơn nữa, phần chính sách của bảo hiểm thất nghiệp chỉ hỗ trợ chi phí học nghề mà chưa hỗ trợ các chi phí khác nên người lao động gặp khó khăn khi bản thân phải tự trang trải nhiều khoản chi khác cho cuộc sống trong thời gian học nghề.
“Tuy vậy, người lao động không nên vì lợi ích trước mắt mà quá quan tâm đến việc hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong bối cảnh tình hình kinh tế, cơ cấu cung – cầu lao động có nhiều biến động như hiện nay thì việc lựa chọn học những ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường sẽ là chiếc “phao cứu sinh” cho người lao động. Bên cạnh đó, để thu hút lao động thất nghiệp học một nghề phù hợp với bản thân trước khi quay trở lại tham gia vào thị trường việc làm thì cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu để đề xuất nâng mức hỗ trợ học nghề, kéo dài thời gian hỗ trợ học nghề (hiện chỉ từ 3 – 6 tháng), xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tạo việc làm bền vững cho nhóm lao động sau thất nghiệp”, TS Nguyễn Thị Lan Hương nói.