Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyển đổi cây trồng ở ấp Thanh An

Hiệu quả kinh tế từ mô hình chuyển đổi cây trồng ở ấp Thanh An

Biên phòng – Người dân ở xã An Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh trước đây chỉ chuyên canh trồng hai vụ lúa mỗi năm nhưng năng suất thấp, giá lúa bấp bênh, thu nhập không ổn định. Từ năm 2000, một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây rau nhút có giá trị kinh tế cao hơn cây lúa, mang lại nhiều kỳ vọng cho người trồng.


Ruộng rau nhút trên cánh đồng của ấp Thanh An, xã An Bình. Ảnh: Ái Vân

Rau nhút là loại cây thân xốp sống dưới nước, mọc bò ngang trên mặt nước, thân cây có bọt khí màu trắng, nhìn trông giống như chiếc phao, giúp rau nổi được trên mặt nước. Rau nhút phát triển có chiều dài từ 90 đến 150cm, thân cây được che phủ bởi những chiếc lá ghép hình lông chim. Trước đây, cây rau này tự mọc ở bên ao hồ, mương rạch, mọc nhiều nhất ở Tây Nam Bộ, người dân hái về để làm rau xanh cho bữa ăn hàng ngày. Loại rau này có chứa nhiều dược liệu, tốt cho sức khỏe người dùng. Ngày nay, cây rau này được trồng ở nhiều nơi, như một loại rau xanh thông dụng, giá trị kinh tế cao hơn nhiều loại rau khác.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Công Bằng, ở ấp Thanh An, xã An Bình chỉ chuyên canh tác cây lúa, có thời điểm thửa rộng 3 công này anh chuyển sang trồng cây tràm, nhưng chẳng thêm thu nhập là bao. Năm vừa qua, anh quyết định dọn đất, khử khuẩn, dẫn nước vào chuyển sang trồng cây rau nhút, sau nhiều lần thu hoạch, anh đã có kinh nghiệm, kỹ thuật trồng giống rau này. Anh cho biết, cây rau nhút ở vụ Đông Xuân cho năng suất cao nhất, mỗi tháng 3 công rau của anh cắt được 1 tấn rau; ngược lại, mùa mưa, những ngày dông bão kéo dài, ruộng rau có giảm năng suất, nhưng giá rau lại được giá, tăng cao. Ruộng rau nhút của anh mỗi tuần đều cho thu hoạch, mức thu nhập từ rau nhút cao hơn những loại cây trồng khác mà anh Bằng từng canh tác. Anh Nguyễn Công Bằng cho biết: “Trồng cây rau nhút có lãi hơn trồng lúa, trồng lúa 3 đến 4 tháng mới cho thu hoạch, 1 công ruộng mới thu được 1 triệu đồng tiền lãi; trồng rau nhút 1 công cũng được 3 đến 4 triệu đồng, thời gian nhanh được thu hoạch, trong vòng 1 tuần mà mình đã có rau ăn rồi. Lâu lâu lấy vôi về để làm sạch ruộng, cho nước vào là trồng được, mực nước từ 1m trở lên thì rau sẽ ngon hơn”.

Ở cùng địa phương còn có gia đình ông Trương Gia Bình trước đây cũng chuyên trồng lúa, với 5 công ruộng, mỗi năm, ông trồng 2 vụ lúa nhưng không đủ chi tiêu cho cả gia đình. Năm 2000, ông là hộ đầu tiên mang giống cây rau nhút về trồng tại cánh đồng lúa ở ấp Thanh An. Ông Bình cho rằng, cây rau nhút dễ trồng, nhưng phải hiểu rõ đặc tính sinh trưởng của chúng thì mới thành công, cây rau nhút cũng dễ bị bệnh trong thời tiết mưa gió thất thường, nhất là vào thời điểm tháng 8, tháng 9 hàng năm. Do cây rau nhút có vòng đời ngắn, trong khi chưa tìm được phương pháp khắc phục, người trồng nên ngừng canh tác, tiến hành thu gom ruộng rau, vệ sinh đồng ruộng, cho đất nghỉ ngơi đến tháng 10 trồng lại. Ngoài ra, tranh thủ lúc giá rau giảm, gốc rau đã già, cằn cỗi, thân rau nhỏ bé, giá trị thấp cũng nên kết thúc vụ rau, vệ sinh ruộng rau và xuống giống mới, gốc rau phế phẩm có thể tận thu làm phân xanh, bón quanh gốc các loại cây ăn quả.

Trồng lứa rau mới không mất nhiều thời gian, từ ngày đặt giống, một tuần sau sẽ có rau thu hoạch đợt đầu tiên, liên tục thu hoạch từ 5 đến 6 tháng mới thay giống cho vụ mới. Theo kinh nghiệm của ông Bình, mực nước ở ruộng rau trung bình từ 0,5 đến 0,7m thì có thể trồng rau nhút, nước càng sâu rau càng tốt. Ông Trương Gia Bình thông tin: “Cây rau nhút thích hợp với môi trường ở đây, thu nhập khá hơn trồng lúa, bình quân mỗi ngày, tôi cắt được khoảng 100 đến 150kg rau nhút, giá rau dao động từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg. Thu hoạch được khoảng 4 đến 5 tháng, thấy rau già thì mình sẽ thay giống mới, giá trị của cây rau nhút cao hơn cây lúa, 5 công rau nhút tương đương với 2 mẫu ruộng”.

Từ năm 2000, cây rau nhút được trồng ở ấp Thanh An; năm 2013, ấp mới thành lập Tổ chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút, do vậy, người dân càng an tâm hơn về chuyển đổi cây trồng trên ruộng lúa, vì được chính quyền, đoàn thể, Hội Nông dân cơ sở quan tâm, hỗ trợ. Ban đầu, Tổ chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút chỉ có 15 hộ tham gia với diện tích gần 7ha. Một số thành viên trong tổ đã được vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ Hội Nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành và các thành viên có thêm điều kiện trao đổi kinh nghiệm trong canh tác sản xuất, hạn chế việc tranh mua, tranh bán sản phẩm cho thương lái.


Anh Nguyễn Công Bằng thu hoạch rau nhút. Ảnh: Ái Vân

Ông Nguyễn Thanh Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình cho biết: “Ở đây có hơn chục hộ trồng rau nhút đều có thu nhập ổn định, lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Bên cạnh đó, xã cũng có dự án hỗ trợ, bước đầu hỗ trợ 10 hộ với số vốn là 200 triệu đồng, Tổ trồng rau nhút khoảng 35 hộ, hoạt động hiệu quả, các thành viên của tổ cũng trao đổi kinh nghiệm, cách chăm sóc, cách trồng và thống nhất về giá cả”.

Lúc mới thành lập, Chi hội trồng rau với diện tích 7ha, nhưng hiện nay, trên địa bàn ấp Thanh An đã có 35 hộ trồng rau nhút, với diện tích 40ha, còn nhiều hộ trồng rau tự phát, tự chủ, từ khâu trồng rau đến khâu đầu ra cho sản phẩm đây là vấn đề mà cấp hội cơ sở vận động các hộ vào tổ hội và liên kết với nhau trong sản xuất nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thành viên.

Ông Huỳnh Minh Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành chia sẻ: “Hiện nay, ấp Thanh An đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây rau nhút, bởi cây rau nhút có hiệu quả kinh tế cao, công việc nhẹ nhàng, kinh phí đầu tư thấp, các gia đình có sẵn diện tích ruộng không cần thuê mướn, sẵn nguồn nước kênh đi ngang qua rất thuận tiện cho việc trồng cây rau nhút. Thực hiện Nghị quyết 04, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo cho Hội Nông dân các xã, trong đó có xã An Bình tiếp tục thành lập và nhân rộng Tổ chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút tại ấp Thanh An, tiến tới Hội Nông dân huyện sẽ nhân rộng các Tổ chi hội nghề nghiệp trồng rau nhút ra các ấp, xã khác nữa. Hiện nay, nhiều bà con trong xã đang thực hiện mô hình Tổ chi hội nghề nghiệp theo Nghị quyết Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chỉ đạo và thực hiện mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, các mô hình này hoạt động rất hiệu quả. Với các hộ dân trồng rau nhút ở ấp Thanh An, trừ chi phí đầu tư, mỗi hộ còn thu về từ 200 đến 300 triệu đồng/năm”.

Quy trình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây rau nhút ở xã An Bình đã mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia trồng rau, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên đơn vị đất sản xuất, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, tạo điều kiện tiếp cận cho vốn vay ưu đãi. Tuy nhiên, việc trồng rau nhút cũng phải tuân theo định hướng của địa phương, tránh tình trạng trồng ồ ạt phá vỡ quy hoạch, hoặc giá trị cây giảm sút khiến nông dân phải phá bỏ như nhiều loại cây trồng khác đã diễn ra trong thời gian qua.

Ái Vân