Tour du lịch “đi thăm bà đẻ” gây sốt mạng
Trong hành trình 7 ngày khám phá Việt Nam, hai du khách quốc tịch Anh, gốc Kuwait, được hướng dẫn viên Vũ Ngọc Sơn (34 tuổi) dẫn đi trải nghiệm tour “thăm bà đẻ”. Một trong hai du khách bày tỏ ngạc nhiên, chia sẻ phong tục ở Kuwait “sẽ tặng vàng hoặc tiền cho em bé mới chào đời”.
Vì không biết trước lịch trình, hai người chưa kịp chuẩn bị quà nên đã tặng em bé 50USD (khoảng 1,2 triệu đồng).
Hướng dẫn viên tiết lộ 2 du khách trước đó đã mua tour trọn gói đắt tiền nhưng chỉ thích những trải nghiệm dân dã. Thấu hiểu tâm lý khách hàng không thích chỗ đông đúc, anh dẫn họ đi thăm nhà người dân địa phương, vô tình bắt gặp khoảnh khắc người mẹ chăm sóc em bé mới sinh.
Hướng dẫn viên Ngọc Sơn đăng tải đoạn video đưa khách đi thăm bà đẻ gây sốt mạng xã hội (Ảnh chụp từ video).
Đây không phải lần đầu anh Sơn mang đến cho du khách nước ngoài những trải nghiệm “độc nhất vô nhị” trong quá trình hành nghề của mình. Đầu tháng 11, cặp vợ chồng Pháp – Mỹ đến Việt Nam, sử dụng các dịch vụ từ ăn uống, vé tham quan đến khách sạn đều 5 sao.
Trong lịch trình 4 ngày 3 đêm, anh Sơn nhận ra đoàn khách cao cấp “không quan tâm đến tiền”, nhưng lại thích trải nghiệm các hoạt động bình dân. Anh bèn thay đổi lịch trình, dẫn hai vợ chồng người nước ngoài… đi chợ mua gà thay vì đi đò tham quan Tràng An.
Đến nhà một người quen ở khu Tam Cốc – Bích Động (tỉnh Ninh Bình) lúc gần trưa, hướng dẫn viên nói với hai vị khách câu đùa quen thuộc của người Việt: “Muốn ăn phải lăn vào bếp”. Sau đó, anh dẫn họ tới chợ dân sinh, hai vợ chồng tự mua rau, gà để chuẩn bị nấu ăn.
Đến khu chợ, hai vị khách như lạc vào thế giới khác với những hoạt động lần đầu tiên nhìn thấy. Người chồng tên James mua rau, gà, cùng hướng dẫn viên vào một nhà dân tận mắt xem mổ gà sau đó xách thực phẩm về nấu. Anh Sơn và chủ nhà phụ trách nấu chính nhưng vẫn cho hai vị khách Tây cùng tham gia.
Thi thoảng họ nhặt rau, được hướng dẫn cách nhóm bếp củi luộc rau, cách rang gà… Hai vợ chồng đều rất thích thú làm theo.
“Các hoạt động này còn hơn cả một lớp học nấu ăn chúng tôi từng tham gia”, James nói với hướng dẫn viên.
Bữa ăn gồm các món rau xào, gà luộc, gà rang, nước canh… Hai vị khách ngồi ăn chung với chủ nhà như gia đình, các món ăn đều hết sạch.
James cho biết: “Đây là bữa ăn ngon nhất từ khi tôi đến Việt Nam. Gà và rau đều của người dân tự nuôi trồng, hương vị các món ăn đậm đà”.
James thích thú đi chợ địa phương, rửa bát (Ảnh cắt từ video).
Trong bữa cơm, hướng dẫn viên chia sẻ đây là những hoạt động không có trong lịch trình. Anh coi vợ chồng James như những người bạn nên muốn mang đến cho họ nhiều trải nghiệm gần gũi với cuộc sống của người dân ở làng quê Việt.
“Tôi mong muốn họ cảm nhận được sự mến khách, cách sống tình cảm của người Việt. Khi họ ăn chung một bữa cơm gia đình, họ sẽ hiểu và cảm nhận được sự ấm cúng của bữa ăn có đầy đủ thành viên”, anh Sơn nói.
Hay khi bước vào một ngôi nhà cấp 4, họ sẽ biết thêm về kết cấu nhà cửa ở nông thôn như: bàn thờ tổ tiên ở chính giữa, phía trước có bàn ghế tiếp khách; phòng khách có cả giường ngủ…
“Đó là những điểm rất đặc trưng tại Việt Nam mà đối với người nước ngoài, họ thấy đặc biệt thú vị”, anh Sơn chia sẻ.
Sau bữa ăn, nam hướng dẫn viên và James chia nhau rửa bát, người rửa, người tráng. James cho biết, đây là tour du lịch thú vị nhất vợ chồng ông từng trải nghiệm.
Nghĩa trang thành điểm “hot” để lên tour
Trước đó, anh Sơn từng tiếp đón đoàn khách Hungary 7 người đến Việt Nam du lịch trong dịp hè với lịch trình 4 ngày 3 đêm. Đoàn khách gồm đa số là các luật sư về hưu, thích tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Việt Nam.
“Biết được mong muốn của khách, tôi đã lên lịch trình đưa họ đến một số ngôi chùa lâu đời và dạo qua phố phường, các khu chợ để khám phá nét văn hóa đời sống của người Việt”, hướng dẫn viên cho biết.
Theo anh Sơn, nhóm khách này có sở thích tìm hiểu, nghiên cứu để tiếp nhận kiến thức nhiều hơn là vui chơi, chụp ảnh lưu niệm. Do vậy, anh mang đến cho họ những trải nghiệm giản dị, những nơi không quá nổi tiếng nhưng lại rất “đời”, rất Việt Nam.
Dù đã chuẩn bị rất nhiều điểm đến độc lạ cho khách, song tham quan nghĩa trang vẫn là hoạt động “ngoài sức tưởng tượng” nhưng nam hướng dẫn viên vẫn lập tức chốt tour (lịch trình).
Đoàn khách Tây tò mò viếng nghĩa trang ở Ninh Bình (Ảnh cắt từ video).
Trên đường đến các địa điểm du lịch ở Ninh Bình, cả đoàn tình cờ đi qua một khu nghĩa trang. Đoàn khách dừng lại rất lâu, tỏ vẻ bất ngờ với kiến trúc các ngôi mộ cổ. Sau đó, họ ngỏ ý muốn anh Sơn dẫn vào tham quan, hướng dẫn viên đồng ý ngay.
Di chuyển vào bên trong khu nghĩa trang, đoàn khách Hungary không ngừng trầm trồ khi thấy các khu mộ cổ được xây dựng theo nhiều kiểu khác nhau. Để lưu lại khoảnh khắc này, nhiều du khách còn lấy điện thoại chụp ảnh, quay phim.
Anh Ngọc Sơn giới thiệu với đoàn về các phong tục trong đám tang ở Việt Nam, các nghi thức chôn cất và cải táng. Mọi người khá bất ngờ với những phong tục này, về cách bài trí các ngôi mộ, khung cảnh xung quanh.
“Họ nhận xét rằng nghĩa trang có rất nhiều cây, các ngôi mộ được xây đa dạng màu sắc. Khi nghe về phong tục cải táng, họ nói cảm thấy hơi sợ nhưng cũng thấy rất hay và ý nghĩa”, nam hướng dẫn viên kể lại.
Điểm đến này hoàn toàn nằm ngoài kế hoạch, lịch trình của đoàn khách Hungary tại Ninh Bình. Tuy vậy, đây lại là trải nghiệm mà đoàn khách ấn tượng nhất. Họ rất vui khi được biết thêm một phong tục của người Việt.
Bùng nổ du lịch nông nghiệp
Anh Vũ Ngọc Sơn là hướng dẫn viên lâu năm, chủ yếu đón tiếp dòng khách cao cấp từ Anh, Mỹ, mới nhất là Ấn Độ. Những năm gần đây, anh nhận thấy dòng khách này không còn mặn mà những điểm du lịch đông người, xô bồ, những nơi mà bất cứ khách du lịch nào cũng đến.
Thay vào đó, họ thích hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, khám phá sâu hơn về văn hóa, con người bản địa.
“Du khách đã chán những kiểu du lịch truyền thống, đậm chất thương mại hóa. Họ thích trải nghiệm thực tế ở nông thôn, trầm trồ “thế mới là đi tour du lịch đúng nghĩa”, cảm nhận trọn vẹn sự khác biệt”, anh Sơn nói.
Theo anh Sơn, nhờ bùng nổ xu hướng mới, dòng khách Tây thích khám phá nông thôn tăng lên 50-70%. Khách quốc tế lần đầu được đi chợ, tắm trâu, chăn vịt, cấy lúa, phụ hồ… tại một số địa phương như Pù Luông (Thanh Hóa), Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Ninh Bình, Hà Giang…
Hướng dẫn viên Vũ Ngọc Sơn trong một lần đón tiếp cặp vợ chồng du khách nước ngoài (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Ông Phạm Anh Vũ, Phó Tổng giám đốc Du lịch Việt, cho biết loại hình du lịch gắn với nông nghiệp đã xuất hiện từ lâu khi Việt Nam đón lượng khách quốc tế bùng nổ. Trong các tour du lịch, khách mong muốn sống cùng người dân địa phương, khám phá nông thôn, trải nghiệm văn hóa ở tầng sâu hơn.
Để đáp ứng yêu cầu, đơn vị lữ hành lồng ghép những hoạt động nông nghiệp vào các tour dài ngày. Trong đó, khách có 1-2 ngày ở homestay đạt tiêu chuẩn, đi chợ, học nấu ăn, đạp xe trên đồng lúa, gặt lúa, chụp ảnh cùng nông dân…
Các chương trình này được du khách quốc tế đón nhận, thích thú. Khi cảm nhận rõ sự hiếu khách của người dân Việt Nam, khách thường sẵn sàng quay trở lại tiếp tục trải nghiệm.
Ông Vũ kỳ vọng sản phẩm du lịch mới lạ sẽ mang đến điểm nhấn mới cho nghề hướng dẫn viên. Thực tế, vài năm trở lại đây, mô hình du lịch trải nghiệm đã chiếm hơn 20% cơ cấu hoạt động của hướng dẫn viên tại công ty.
Lãnh đạo doanh nghiệp lữ hành chỉ rõ tính chất tự phát của các hoạt động, khi hướng dẫn viên ngẫu hứng đưa đoàn khách đi trải nghiệm, hoặc thay đổi tour, thiết kế thêm khách có nhu cầu. Điều đó cho thấy kỹ năng xử lý linh hoạt của người trong nghề nhưng cũng mới chỉ dừng ở mức thoáng qua, các hoạt động thường diễn ra nhanh, chỉ kéo dài 5-10 phút, chưa đủ để du khách hiểu sâu về văn hóa.
Để việc tổ chức tour du lịch nông thôn trở thành sản phẩm ổn định, hiệu quả, theo ông Vũ, không chỉ đội ngũ hướng dẫn viên có nghề, có tư duy tốt mà còn phải tổ chức cả hệ thống đi kèm như điều kiện lưu trú, an ninh, an toàn thực phẩm…
Ông Vũ nhấn mạnh hơn ý nghĩa của sự phối hợp nhịp nhàng giữa công ty lữ hành, hướng dẫn viên, chính quyền và người dân địa phương để nghề dịch vụ du lịch ngày càng đi vào bài bản, chuyên nghiệp, bền vững.