Hà Nội kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ

Hà Nội kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ

(Dân sinh) – Đây là những nội dung trong kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp vừa được Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội ban hành, nhằm tập hợp các kiến nghị đề xuất xây dựng các chính sách đối với lao động nữ trong nhiệm kỳ 2023 – 2028

Việc khảo sát đời sống của lao động nữ là căn cứ để công đoàn đề xuất các chính sách trong thời gian tới.

Việc khảo sát đời sống của lao động nữ là căn cứ để công đoàn đề xuất các chính sách trong thời gian tới.


Thực hiện Kế hoạch số 75/KH-BNC của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chương trình công tác nữ công năm 2023, từ nay đến tháng 10/2023, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp; Khảo sát thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp và chế xuất.

Mục đích của việc kiểm tra, khảo sát nhằm tập hợp các kiến nghị của người lao động và người sử dụng lao động để có căn cứ đề xuất xây dựng các chính sách đối với lao động nữ trong nhiệm kỳ 2023 – 2028 và giải pháp hỗ trợ lao động nữ di cư được thực hiện quyền sống gần con để thuận lợi hơn cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục các cháu, đảm bảo chất lượng cho nguồn nhân lực tương lai, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hoạt động này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, khẳng định vai trò, vị thế của hoạt động nữ công trong việc chăm lo, đại diện, bảo vệ cho lao động nữ, đặc biệt trong tham mưu xây dựng thỏa ước lao động tập thể, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế của doanh nghiệp, những vấn đề liên quan đến lao động nữ.

Các cấp Công đoàn sẽ kiểm tra, giám sát tại các doanh nghiệp có đông lao động nữ; Định hướng cho Ban nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có đông lao động nữ các nội dung có lợi hơn theo quy định của pháp luật, để tham mưu với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể; Báo cáo tình hình lao động nữ tại doanh nghiệp và kết quả thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động 2012; Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động…

Việc khảo sát thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ của lao động nữ di cư, các cấp Công đoàn tập trung kiểm tra các vấn đề như: Điều kiện nhà ở, điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con; Dịch vụ nhà trẻ, trường học của con công nhân và dịch vụ công cộng khác; Số lao động nữ nhập cư; Số lao động nữ có con trong độ tuổi dưới 18 tuổi và dưới 6 tuổi; Số lao động nữ đang sống cùng con, số lao động nữ gửi con về quê cho người thân chăm sóc, lý do gửi con về quê; Số lao động nữ làm mẹ đơn thân, ly hôn; Vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, trường học; Các chính sách hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp; Đời sống văn hóa, tinh thần.

Về điều kiện làm việc, các cấp Công đoàn sẽ khảo sát việc làm và thu nhập; Thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, an sinh xã hội; Môi trường làm việc, điều kiện chăm sóc sức khỏe; Mối quan hệ với lãnh đạo và đồng nghiệp; Mong muốn trong tương lai; Dự định tương lai; Kiến nghị, đề xuất với doanh nghiệp, tổ chức Công đoàn, chính quyền địa phương.