UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ.
Ảnh minh hoạ
Theo đó, Hà Nội dự kiến diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp đối với khu vực nội thành là 15m2 (gồm 12 quận); đối với khu vực ngoại thành là 8m2 (gồm 18 huyện, thị xã).
Dự thảo tờ trình của UBND TP. Hà Nội cho biết, việc xây dựng dự thảo trên nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, trong đó có nội dung quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Theo UBND TP. Hà Nội, ở một số tỉnh hoặc huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đang có áp lực gia tăng dân số cơ học rất lớn. Số người đăng ký cư trú ở những khu vực này tăng nhanh và biến động nhiều ở nhóm đối tượng có chỗ ở hợp pháp là nhà ở do thuê, mượn, ở nhờ.
Do đó, đối với trường hợp công dân đăng ký thường trú thuộc nhóm đối tượng này được Luật Cư trú 2020 quy định giao HĐND cấp tỉnh quyết định diện tích bình quân chỗ ở tối thiểu khi đăng ký thường trú nhằm bảo đảm điều kiện sống cần thiết cho người dân, phù hợp với yêu cầu quản lý về cư trú và tình hình, chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Trước đó, tháng 11.2022, UBND TP. Hà Nội đã trình HĐND TP. Hà Nội để xem xét, thông qua dự thảo trên. Thời điểm đó, TP. Hà Nội dự kiến quy định diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn đối với nhóm nhà ở cũ có nguồn gốc sở hữu Nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2.
Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu Nhà nước), dự thảo quy định diện tích bình quân tối thiểu là 20m2. Tuy nhiên, sau khi nhận được ý kiến trái chiều của dư luận, UBND TP. Hà Nội có văn bản hỏa tốc lùi thời gian trình ban hành nghị quyết này để bảo đảm đầy đủ các bước theo quy định.