Nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn khi thí điểm mở rộng đất làm dự án nhà ở thương mại trong khi không ít nơi xây xong không ai ở, còn phát triển nhà ở xã hội vẫn khó.
Theo Luật Nhà ở 2014, từ 1/7/2015, nhà đầu tư được làm dự án nhà ở thương mại khi có quyền sử dụng với đất ở. Cơ chế này, theo Chính phủ, làm bó hẹp các trường hợp thực hiện dự án nhà ở thương mại dưới quy mô khu đô thị, nhất là tại các khu vực mới, chưa có đất ở.
Do đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết, trong đó cho thí điểm trong 5 năm việc nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp không phải đất ở, đất khác trong cùng thửa để làm dự án nhà ở thương mại.
Thảo luận sáng 21/11 về chính sách này, ông Nguyễn Công Long, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp nhìn nhận thị trường bất động sản hiện nay có nhiều vấn đề, giá tăng phi mã, người nghèo, cán bộ, công chức, viên chức rất khó mua được nhà.
“Người ta tính một công chức không ăn gì, vài trăm năm mới mua được nhà”, ông nói, băn khoăn khi chính sách đưa ra chỉ xem xét, áp dụng cơ chế thí điểm cởi trói cho nhà ở thương mại, mà không xét tới nhà ở xã hội.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Huy Khánh – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu thực tế khắp cả nước không ít khu đô thị xây xong rồi bỏ hoang, không ai ở, gây lãng phí.
Ông Đỗ Huy Khánh – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại phiên thảo luận, ngày 21/11. Ảnh: Media Quốc hội
Ông đặt vấn đề, vì sao không dành quỹ đất, cơ chế thí điểm chuyển đổi đất cho phát triển nhà ở xã hội. Bởi đây là phân khúc nhà có nhu cầu thực của người dân, dành cho người thu nhập thấp. Hiện người lao động thu nhập 7-20 triệu đồng một tháng ở nhiều địa phương rất cần chỗ ở, nhưng họ không đủ tiền mua nhà thương mại.
“Người thu nhập thấp bốc thăm 5 lần 7 lượt mong mua được căn hộ nhà xã hội 50 m2, song rất khó. Chúng ta đưa ra chính sách này để gỡ cho dự án nhà ở thương mại, trong khi ở nhiều thành phố có những khu đô thị xây xong không có người ở”, ông Khánh nêu.
Chưa kể, theo ông Nguyễn Công Long, tại không ít địa phương xảy ra tình trạng tiêu cực như đầu cơ đất đai, nhất là mua gom đất nông nghiệp diễn ra hàng chục năm nay.
“Cần có giải pháp ngăn thu gom, chống hợp thức hóa thu gom đất đai và chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa”, ông kiến nghị.
Theo dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất thí điểm mở rộng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm dự án nhà thương mại qua thỏa thuận trên phạm vi cả nước. Ông Mai Văn Hải – Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói như vậy là quá rộng, chỉ nên áp dụng ở một số tỉnh, thành đang có dự án vướng mắc.
Ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), Trịnh Xuân An – Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đồng tình thực hiện áp dụng thí điểm chính sách chuyển đổi đất qua thỏa thuận này trong phạm vi cả nước. Bởi theo các đại biểu này, nếu thí điểm ở vài địa phương sẽ dẫn tới cơ chế xin cho, “rất nguy hiểm”.
Song ông Hòa lưu ý không phải dự án nào cũng cho thí điểm mở rộng diện đất được thỏa thuận làm nhà ở thương mại. Ví dụ, dự án đang vướng sai phạm, chưa xử lý khắc phục thì không được áp dụng.
“Chúng ta không hợp thức hóa sai phạm của nhà đầu tư. Nhưng với các trường hợp đặc thù, đặc biệt cũng cần được xem xét, tháo gỡ pháp lý”, ông Hòa nói, thêm rằng Nhà nước sẽ thu được tiền sử dụng đất, thị trường bất động sản khơi thông, người dân yên tâm có nhà ở khi số dự án này được gỡ khó.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải trình tại phiên thảo luận, ngày 21/11. Ảnh: Hoàng Phong
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nói bản chất việc thí điểm mở rộng đất lần này là bổ sung hình thức tiếp cận đất đai trong làm nhà ở thương mại.
Theo Luật Đất đai 2024, các dự án được Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu phải là các khu đô thị quy mô từ 20 ha trở lên, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội và nhà ở. Tức là, dự án dưới 20 ha sẽ không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất hay được nhận chuyển quyền sử dụng, nếu dự án không có diện tích đất ở.
Theo Bộ trưởng Duy, vướng mắc này xảy ra ở tất cả địa phương, nhất là các nơi không có dự án bất động sản quy mô từ 20 ha trở lên. Vì thế, theo ông cho thí điểm chính sách mở rộng loại đất làm nhà ở thương mại qua thỏa thuận chuyển quyền sử dụng trên cả nước “mới đảm bảo công bằng, khắc phục tình trạng xin – cho”.
Trước lo ngại của các đại biểu về đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ đất trồng lúa, rừng, ông Duy nói được kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, xây dựng và đô thị. Trong các quy hoạch, kế hoạch đã xác định diện tích đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang phi nông nghiệp để làm các dự án phát triển kinh tế xã hội. Số này gồm diện tích đất làm các dự án nhà thương mại theo cơ chế thí điểm tại nghị quyết này và Luật Đất đai 2024.
“Các dự án trong diện thí điểm phải tuân thủ quy hoạch. Diện tích trồng lúa 3,5 triệu ha đến 2030, hay độ che phủ rừng 42% được giữ ổn định, không ảnh hưởng”, ông Duy nói.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nói thêm sẽ tiếp thu ý kiến, bổ sung quy trình, thủ tục chặt chẽ tại nghị định hướng dẫn nghị quyết để “chống tham nhũng tiêu cực, khắc phục tình trạng trục lợi chính sách”.
Dự kiến Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết này vào ngày 30/11.
Anh Minh