Giữ cho được những chính sách thể hiện tính ưu việt với người lao động

Giữ cho được những chính sách thể hiện tính ưu việt với người lao động

Chiều 2/1, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ nhiệm Ủy Ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì cuộc họp hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm sửa đổi chiều 2/1.

Tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong báo cáo về quá trình rà soát dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Sau khi chỉnh lý, dự Luật gồm 8 chương, 72 điều, giảm 1 chương và 22 điều so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, hồi tháng 11 vừa qua.

Giữ cho được những chính sách thể hiện tính ưu việt với người lao động - 1

Cuộc họp chỉnh lý, hoàn thiện dự Luật Việc làm sửa đổi diễn ra sau lần đầu trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp hồi tháng 11 vừa qua (Ảnh: Hữu Nghị).

Thành viên Ủy ban Xã hội nêu các ý kiến thảo luận liên quan đến những nội dung lớn của dự Luật như đăng ký lao động, hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp…

Đăng ký lao động kết nối với cơ sở dữ liệu về dân cư

Phát biểu tại cuộc họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự Luật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hoan nghênh các đơn vị đã làm tích cực trong rà soát, xây dựng một đạo luật lớn, phức tạp và nhạy cảm.

Về các nội dung cụ thể, Bộ trưởng đi sâu vào 4 vấn đề lớn.

Thứ nhất, ông khẳng định sự cần thiết của quy định đăng ký lao động.

Nhắc lại chuyện hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 2 năm trước, vị trưởng ngành nêu rõ bất cập là việc triển khai khá lúng túng do thiếu thông tin đăng ký lao động. Ngược lại, quá trình thực hiện Nghị quyết 116 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp lại rất thuận lợi, chóng vánh do có sẵn cơ sở dữ liệu.

Giữ cho được những chính sách thể hiện tính ưu việt với người lao động - 2

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề cập 4 vấn đề lớn của dự Luật (Ảnh: Hữu Nghị).

Hiện tại, dự thảo Luật có một quy định được thiết kế là Quốc hội giao cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam cập nhật thêm trường thông tin về đăng ký lao động đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Bước chỉnh lý tiếp theo, Ban soạn thảo dự kiến bỏ quy định này, đề xuất giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề đăng ký lao động.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH dẫn chứng thêm về kinh nghiệm quản lý lao động của Hàn Quốc, Nhật Bản. Ở hai nước này, doanh nghiệp muốn sử dụng lao động phải đăng ký qua cơ quan quản lý lao động. Từ đó, cơ quan quản lý có cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin về tiền lương, bảo hiểm xã hội… 

Với tinh thần trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị điều chỉnh chuẩn xác, chặt chẽ nội dung về đăng ký lao động.

Với vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về người lao động, theo ông, Chính phủ đã có chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong đó bao hàm dữ liệu của người lao động.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị xây dựng quy định mang tính nguyên tắc trong Luật, giao Chính phủ quy định việc quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về người lao động đảm bảo tích hợp, đồng bộ, phục vụ mục tiêu lưu trữ, chia sẻ.

Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Về vấn đề phát triển kỹ năng nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, đây là nội dung rất cần thiết, phải luật hóa.

Dự Luật trình Quốc hội vừa qua có quy định về Hội đồng kỹ năng nghề, làm nhiệm vụ tư vấn về chính sách, với thành phần gồm đại diện các Bộ, ngành thuộc các lĩnh vực.

Giữ cho được những chính sách thể hiện tính ưu việt với người lao động - 3

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh báo cáo về quá trình xây dựng dự Luật (Ảnh: Hữu Nghị).

Cảnh báo Hội đồng này dễ bị trùng lắp nhiệm vụ với cơ quan quản lý nhà nước về phát triển kỹ năng nghề, Bộ trưởng cho rằng nên bỏ quy định này và tập trung làm rõ sự gắn kết của công tác giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu thực tế, không ít người lao động có “đôi bàn tay vàng”, tinh thông nghề nghiệp, đến tầm nghệ nhân ở một làng nghề nhưng không đơn vị nào công nhận kỹ năng nghề với họ.

Việc chỉnh lý các quy định trong dự luật cần đáp ứng mục tiêu nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

Đối với chủ trương mở rộng diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng đồng tình, gợi ý đối tượng nhắm tới là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã có hưởng lương.

Giữ cho được những chính sách thể hiện tính ưu việt với người lao động - 4

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh (Ảnh: Hữu Nghị).

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đồng tình với việc sửa đổi theo hướng quy định người đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ từ 9 tháng trở lên trong thời gian 36/48/60 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc đủ điều kiện được hỗ trợ tham gia đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

“Tất cả những chính sách đã có mà thể hiện tính ưu việt thì chúng tôi không loại bỏ. Đó chính là nguyên lý của việc xây dựng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, chuyển từ ổn định và đảm bảo sang ổn định và phát triển, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 42”, Bộ trưởng nhấn mạnh.  

Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu và kết luận của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị ban biên tập chỉnh sửa, hoàn thiện những nội dung lớn của dự Luật để hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.