Giới trẻ đua nhau “độ” xe máy: Trào lưu nguy hiểm

Giới trẻ đua nhau “độ” xe máy: Trào lưu nguy hiểm

Các cơ sở “độ” xe cũng mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, đằng sau thú chơi này là những rủi ro khôn lường, đe dọa an toàn giao thông và sức khỏe, tính mạng của người điều khiển phương tiện.

do-xe-may.jpgMột cửa hàng quảng cáo dịch vụ “độ” xe tại phường Trung Phụng (quận Đống Đa).

Đua nhau “độ” xe

Từ câu chuyện đau lòng của cô gái đứng chờ đèn đỏ bị nhóm “quái xế” hất tung xuống đường tại ngã tư phố Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm) rạng sáng 3-11, phóng viên đã tìm hiểu và được biết, đa số phương tiện của các tay đua đều là xe “độ” để có được tốc độ cao. Điều đáng sợ là nhiều thanh niên đang ở độ tuổi 15-16 có thể kể vanh vách về các phụ kiện cần “độ” xe, có thể thực hiện ở đâu, giá cả bao nhiêu…

Nguyễn Văn Hùng, học sinh của một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội cho biết, em được bố mẹ giao cho sử dụng một chiếc xe máy để đi học và chở hàng cho mẹ. Em đã lén mang xe đi “độ” bóng đèn neon siêu sáng, đèn gầm trang trí, thay ống xả, làm lại máy để nâng tốc độ xe. Với chiếc xe ban đầu 110 phân khối, Hùng đã cải biến để thành xe 175 phân khối.

Kể về các loại xe “độ”, dù mới 16 tuổi nhưng Lê Quang Huy, học sinh một trường trung học phổ thông trên địa bàn quận Nam Từ Liêm đọc vanh vách các từ lóng trong việc thay đổi kết cấu, hình thức xe. Các thanh niên có ý định đua xe thường tìm đến các lò “độ” xe có thể nâng cấp các xe vốn chỉ trên 100 phân khối lên tới 200 phân khối, thậm chí 250 phân khối, tùy mục đích và túi tiền. Huy cho biết, đa số người chơi thường “độ” nồi (bộ li hợp) cho xe chạy bốc, tiết kiệm xăng. Giá “độ” xe cũng phụ thuộc mục đích, trung bình từ 3 đến 5 triệu đồng nếu độ ở mức 110-150 phân khối; độ ở mức 175-250 phân khối thì giá trong khoảng 7-20 triệu đồng. Trong đó, dịch vụ thay bộ lòng 250 phân khối, độ cam, độ nồi 3 càng, IC không hãm tua, bổ nồi, thay lò xo… có giá trên 17 triệu đồng.

Từ những thông tin trên, phóng viên đã tìm đến các cửa hàng chuyên “độ” xe máy tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Phủ Doãn, Hoàng Hoa Thám, Trần Khát Chân, Cao Bá Quát, Trung Phụng, Trường Chinh, Mai Dịch… và nhận thấy đa số các cơ sở này chỉ treo biển bảo dưỡng, sửa chữa xe máy nhưng khách có nhu cầu “độ” là được phục vụ. Tuy nhiên, cũng có cửa hàng quảng cáo dịch vụ “độ” xe công khai như cơ sở “Sài Gòn độ xe” tại phường Trung Phụng (quận Đống Đa). Tại thời điểm phóng viên ghi nhận ngày 10-11, có hàng chục xe đang được các thợ lành nghề “khoác áo mới”.

Tương tự, tại cơ sở độ xe “Thành Công racing” (ngõ 217 phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy), các phụ tùng xe cao cấp, thiết bị “độ” xe, các dòng ống xả độ, ống xả nổ, cầu led… được trưng bày kín quanh căn phòng khoảng 50m2. Mỗi khi có xe đến, thợ và chủ xe trao đổi rất ngắn gọn, chiếc xe được tháo dỡ nhanh chóng để “độ” cho kịp thời gian.

Cần ngăn chặn và xử lý nghiêm

Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Minh Phong, một thợ chuyên “độ” xe trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết, có 2 kiểu “độ” xe. Thứ nhất là thay đổi ngoại thất như dán xe, lắp thêm đèn led để thay áo mới cho xe. Thứ hai là cải biến nội thất, chủ yếu là bổ máy, thêm nồi, phuộc, nâng ống xả… Giới trẻ hiện ưa chuộng “độ” nội thất để đọ tốc độ. Tuy nhiên, việc này phụ thuộc lớn vào tay nghề của người thợ vì phải thay đổi hoàn toàn các chi tiết nguyên bản của xe, có thể gặp sai số khi thợ có kỹ thuật không chuẩn.

Về hệ lụy khi thực hiện “độ” xe máy, trao đổi với phóng viên, kỹ sư ô tô, xe máy Lê Văn Tạch cho biết, chất lượng xe “độ” thường không được kiểm soát. Đa số người “độ” xe chỉ mong muốn đạt mục đích về âm thanh như nâng ống xả hoặc lắp đèn led để tăng độ sáng nên ít khi quan tâm đến an toàn trong quá trình sử dụng. Chẳng hạn việc nâng ống xả nếu không đúng kỹ thuật thì có thể làm mất khả năng chống nhiệt, nếu xảy ra va quệt dễ gây bỏng cho người khác. Hay việc lắp các loại đèn mà thay cả hệ thống dây dẫn, hoặc bóng đèn không chất lượng, khi sử dụng lâu dài dễ gây chập cháy do quá tải đường dây điện. Còn việc “độ” thêm nồi, phuộc… để tăng tốc độ là thay đổi kết cấu kỹ thuật của nhà sản xuất nên nguy cơ mất an toàn trong quá trình sử dụng là hoàn toàn có thể xảy ra.

“Quan điểm của tôi là tôn trọng thiết kế nguyên bản của nhà sản xuất. Còn trong trường hợp muốn lắp thêm thiết bị thì phải do các đơn vị chính hãng làm theo tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép”, kỹ sư Lê Văn Tạch nói.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 55, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, “độ” xe là hành vi trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc điều khiển xe máy chạy quá tốc độ, gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông cũng là vi phạm pháp luật và thực tế đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, trong đó có những vụ tai nạn gây chết người. Hành vi này cần được ngăn chặn, xử lý thật nghiêm minh nhằm bảo đảm sự an toàn cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông.