Tiếp nối cuộc suy thoái do Covid-19, các vấn đề địa chính trị và việc tăng lãi suất, các nhà đầu tư bất động sản châu Âu tiếp tục phải đương đầu với nhiều khó khăn sau cuộc khủng hoảng và sáp nhập của Credit Suisse.
Mối lo lắng bao trùm hội thảo quy tụ gần 23.000 nhà đầu tư, nhà môi giới, chủ ngân hàng và các bên liên quan được tập đoàn tài chính Goldman Sachs tổ chức vào ngày 15/03 tại Pháp khi sự kiện của đại gia ngân hàng Thụy Sỹ bắt đầu chiếm lĩnh các tiêu đề trên báo chí và truyền thông.
Torsten Hollstein, Giám đốc điều hành của công ty quản lý quỹ CR Investment Management, cho biết: “Hầu hết các tổ chức ở châu Âu đều có mối quan hệ với nhau và do đó đều chịu ảnh hưởng từ sự kiện của Credit Suisse”.
“Một số ngân hàng tham dự hội thảo đang xem xét lại trạng thái thanh khoản của họ cũng như kế hoạch cắt giảm hoạt động tín dụng bất động sản”, ông nói thêm.
Đợt biến động gần đây nhất với thị trường bất động sản đã xảy ra do sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), khiến giá trị cổ phiếu sụt giảm và khách hàng ồ ạt chuyển tiền đến các ngân hàng lớn hơn. Một vài ngân hàng thuộc nhóm này có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn, làm dấy lên lo ngại về khả năng trả nợ.
Isabelle Scemama, người đứng đầu toàn cầu của AXA IM Alts, nhà quản lý đầu tư bất động sản lớn nhất ở châu Âu, cho biết: “Không ai trong ngành bất động sản từng nghe nói về SVB trước ngày 15/3. Đây là một sự kiện thiên nga đen”.
Khối lượng giao dịch bất động sản châu Âu đã giảm mạnh khi các nhà đầu tư phải vật lộn để bảo lãnh giao dịch trong triển vọng lãi suất không chắc chắn. Theo công ty tài chính MSCI, lợi nhuận bất động sản tại châu Âu rơi xuống mức tồi tệ nhất vào quý cuối cùng của năm 2022. Trong đó, số lượng văn phòng giao dịch tại London đạt mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Henning Koch, Giám đốc điều hành của CommerzReal, cho biết: “Rõ ràng là dòng vốn đang rời khỏi lĩnh vực bất động sản và chuyển sang các lĩnh vực thay thế khác mang lại thu nhập cố định. Điều này có nghĩa là thị trường đầu tư bất động sản đang chết”.
Kỷ nguyên lãi suất thấp kết thúc đã khiến các ngân hàng rút dần khỏi hoạt động cho vay bất động sản, tạo ra khoảng trống lớnvề vốn trong ngành để các nhà đầu tư khác tham gia. Điều này khiến các khoản vay bất động sản đáo hạn tại châu Âu vọt lên 200 tỷ Euro trong năm 2023 và 2024.
Sự sụp đổ của SVB, vốn tập trung cho vay trong lĩnh vực công nghệ, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn vốn ngân hàng rót vào bất động sản sẽ cạn kiệt hơn nữa khi nhiều tổ chức tài chính bị cuốn vào vòng xoáy hỗn loạn.
“Các thị trường đều liên kết với nhau và mọi người đang lo ngại những hiệu ứng domino. Về cơ bản, vấn đề nằm ở tâm lý đầu tư”, Jani Nokkanen, Giám đốc đầu tư của Nordic Real Estate Partners cho biết.
Sự sụp đổ của SVB cũng đã làm thay đổi quyết định đánh cược của các nhà đầu tư chứng khoán vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có tiếp tục cắt giảm lãi suất hay không và trong bao lâu. Hoạt động đầu cơ của họ đã giúp nâng giá cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu của các nhà phát triển ở Bắc Âu, vốn gắn chặt với kỳ vọng tăng lãi suất trong tương lai.
Alexander Knapp, Giám đốc đầu tư của công ty tư vấn bất động sản Hines tại châu Âu cho biết: “Chắc chắn chúng ta đang ở trong một thế giới đầy biến động, vì vậy tin tốt có thể là tin xấu và ngược lại”.
Việc thay đổi kỳ vọng tăng lãi suất đã khuấy động thị trường bất động sản vào đầu năm nay, khi tâm lý lạc quan sớm rằng các ngân hàng trung ương đã chế ngự được lạm phát nhường chỗ cho sự không chắc chắn về triển vọng vượt mức mong đợi của tỷ lệ việc làm, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Nguy cơ tăng lãi suất trong tương lai có thể đẩy giá bất động sản xuống thấp hơn nữa đã khiến các nhà đầu tư khó bảo lãnh các thương vụ.
Dana Gibson, người đứng đầu bộ phận bất động sản châu Âu tại Macquarie Asset Management, cho biết: “Đây là thị trường khó bảo lãnh nhất mà tôi từng thấy do sự không chắc chắn về lãi suất”.