Giám đốc Nhật viết thư bằng tiếng Việt chia tay nữ lao động Việt

Giám đốc Nhật viết thư bằng tiếng Việt chia tay nữ lao động Việt

Món quà chia tay đặc biệt

Nguyễn Thị Huyền, quê Hưng Yên, gần đây khiến nhiều người xúc động khi chia sẻ video chia tay giám đốc người Nhật để về nước trên mạng xã hội.

Trong video, người đàn ông Nhật Bản với khuôn mặt buồn thiu, cố gượng cười, trao cho cô một phong bì với dòng chữ viết tay: “Đừng quên tôi ngay cả khi bạn trở về Việt Nam”.

Món quà giám đốc người Nhật tặng Huyền lúc chia tay là lá thư bằng tiếng Việt (Video: NVCC).

Huyền cho biết đây là món quà chia tay đặc biệt mà giám đốc Yoshinori Tabuchi, 50 tuổi, tặng cô trước khi về nước. Huyền và vị sếp người Nhật đã làm việc cùng nhau suốt 5 năm, xây dựng một mối quan hệ thân thiết, gần gũi như bạn bè, người thân trong gia đình.

Cô gái quê Hưng Yên đặt chân đến Nhật năm 2019 theo diện visa dành cho lao động kỹ thuật (kỹ sư), làm việc trong ngành lắp ráp linh kiện điện tử tại Osaka. Cô sống cách nhà giám đốc Tabuchi 4km.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Huyền tự nhận mình là một trong những lao động may mắn, bởi cô gặp được một người chủ tốt bụng ở nơi đất khách quê người.

Công ty Huyền làm việc chỉ có 3 lao động Việt Nam, trong đó hai người ở chung ký túc xá với cô.

“Ông chủ đối xử tốt với tất cả chúng tôi. Nhà ở và toàn bộ đồ dùng trong phòng đều do công ty chuẩn bị, từ đôi dép, ô che mưa đến bàn chải đánh răng”, Huyền kể.

Cô không giấu được xúc động khi nhắc đến sự quan tâm của giám đốc Tabuchi đối với nhân viên trong công ty.

“Thấy trong phòng thiếu món đồ gì, ông giám đốc lại đích thân đi mua và mang đến cho chúng tôi”, cô nói thêm.

Giám đốc Nhật viết thư bằng tiếng Việt chia tay nữ lao động Việt - 1

Nội dung bức thư ông Tabuchi gửi cô gái Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trước khi sang Nhật, Huyền đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với một môi trường làm việc khắt khe và những người chủ khó gần. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác xa những gì cô tưởng tượng.

“Khi chúng tôi vừa đặt chân đến Nhật, công ty đã cử người ra tận sân bay đón, đưa về phòng ký túc xá. Trong phòng, mọi thứ đã được chuẩn bị đầy đủ, từ chăn ga gối đệm, bát đũa cho đến móc phơi đồ.

Cuối tuần, ông giám đốc còn chở ba chị em đi siêu thị, chỉ chỗ mua thuốc, hoặc có quán ăn ngon nào cũng dẫn chúng tôi đi”, Huyền chia sẻ.

Chính môi trường làm việc tốt và đặc biệt là sự quan tâm, tôn trọng từ người chủ đã khiến nữ lao động quyết định gắn bó với công ty suốt 5 năm. 

Theo Huyền, mối quan hệ giữa sếp Nhật và nhân viên trong công ty luôn rõ ràng, nghiêm túc trong giờ làm việc và thoải mái, thân thiện khi hết giờ làm. Vì thế, những lúc rảnh rỗi, cô gái có thể quay video ghi lại những khoảnh khắc hài hước khi trò chuyện cùng giám đốc.

“Ban đầu, cả hai có chút ngại ngùng, nhưng dần dần cũng quen và thoải mái hơn”, Huyền kể lại.

Những ông chủ “siêu tốt bụng” níu chân lao động Việt 

Hai tháng trước, Huyền quyết định sẽ về nước bởi cô nhận thấy đã đến lúc trở về Việt Nam sống gần gia đình. Thêm nữa, việc đồng Yên Nhật mất giá, công việc không còn đem lại thu nhập xứng đáng cũng là lý do khiến cô cân nhắc về quyết định này.

Khi cô gái nói về nước rồi có thể sẽ không bao giờ quay trở lại Nhật Bản nữa, ông Tabuchi rất buồn và cố gắng níu kéo cô ở lại.

Giám đốc Nhật viết thư bằng tiếng Việt chia tay nữ lao động Việt - 2

Huyền được giám đốc tổ chức sinh nhật khi còn làm việc tại Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Cuối năm ngoái, tôi đã từng báo với giám đốc về dự định hồi hương của mình. Lúc đó, ông nhất quyết không đồng ý. Thậm chí, ông còn cho tôi nghỉ phép về Việt Nam thăm gia đình và khuyên tôi nên suy nghĩ lại.

Đầu năm nay, ông khiến tôi bất ngờ khi ra sân bay cùng tôi sang Việt Nam”, Huyền kể.

Sau gần nửa tháng về thăm nhà, Huyền quay trở lại Nhật. Lần này cô vẫn giữ nguyên quyết định ban đầu. Dù vậy, cô vẫn ở lại thêm vài tháng cho tới khi hoàn tất việc bàn giao, hướng dẫn cho người mới.

“Khi biết không thể thuyết phục tôi ở lại, ông Tabuchi buồn lắm. Trước ngày tôi chính thức nghỉ việc, ông cho tôi 5 man (hơn 8 triệu đồng tiền Việt), nhưng tôi nhất quyết từ chối”, Huyền nói.

Ngày tiễn Huyền ra sân bay, giám đốc Tabuchi dúi vào tay cô một phong bì đã được chuẩn bị sẵn. “Ban đầu, tôi tưởng trong đó là tiền nên không nhận, nhưng ông bảo đó là lá thư ông tự tay viết bằng tiếng Việt. Ông tự mày mò học cách viết để gửi lời chia tay tới tôi”, Huyền xúc động kể.

Huyền nhớ lại, trong suốt thời gian làm việc, vị giám đốc luôn thể hiện sự quan tâm chân thành đến nhân viên.

“Mỗi dịp Giáng sinh hay lễ Tết, ông đều chuẩn bị quà tặng chúng tôi. Đặc biệt, ông rất thích viết thiệp. Khi đọc lá thư ông viết bằng tiếng Việt, tôi thực sự rất xúc động”, Huyền bùi ngùi.

Video ngày chia tay của Huyền và giám đốc người Nhật nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Việt Nam, thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem. Nhiều người bày tỏ xúc động về mối quan hệ thân tình của nữ lao động Việt với người sếp Nhật Bản.

Giám đốc Nhật viết thư bằng tiếng Việt chia tay nữ lao động Việt - 3

Món quà đặc biệt của giám đốc dành tặng nữ lao động Việt (Ảnh: Cắt từ clip).

Huyền chia sẻ, mục đích cô đăng những clip về giám đốc người Nhật là để lưu giữ kỷ niệm đẹp về quãng thời gian sống và làm việc ở xứ người. Không ngờ, các video của cô lại nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.

“Nhiều người suy diễn là tôi cặp bồ, rồi có những bình luận không mấy tích cực. Có lúc tôi cảm thấy stress nặng, thậm chí định không đăng video nữa để tránh chuyện soi mói. Nhưng rồi tôi lại nhận được rất nhiều lời động viên, gặp được nhiều đồng hương và những người chủ tốt bụng.

Chính những điều đó trở thành động lực lớn giúp tôi tiếp tục chia sẻ thêm video về cuộc sống của lao động Việt ở xứ người”, cô gái tâm sự.

Huyền chia sẻ, quãng thời gian 5 năm ở Nhật là những hoài niệm rất đẹp đối với cô, bởi nơi đó có một người chủ “siêu tốt bụng”.

“Nếu ai đó hỏi tôi điều gì ở Nhật khiến tôi lưu luyến, thì sự tiếc nuối lớn nhất của tôi chính là phải chia tay người bạn đặc biệt này. Ông ấy không chỉ là một người sếp, mà còn như một người bạn, thậm chí giống như người thân.

Đó là một người biết tôi không thích học tiếng Nhật đã mày mò học tiếng Việt để có thể trò chuyện và chia sẻ với tôi”, Huyền xúc động.