Từ giữa năm 2024 đến nay, TP.HCM thiếu trầm trọng lao động phổ thông. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2024, có 10.097 vị trí việc làm được đăng tuyển trên website của đơn vị và gần phân nửa số việc làm không yêu cầu người lao động (NLĐ) có bằng cấp.
Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm ưu thế, với 5.686 vị trí (56,31%). Theo sau là ngành da giày – may mặc với 1.012 vị trí (11,48%) và ngành thực phẩm – đồ uống với 1.124 vị trí (11,13%). Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng cho các vị trí yêu cầu kỹ năng và chuyên môn cao thì lại rất hạn chế.
Nhiều chuyên trang tuyển dụng cũng ghi nhận việc các doanh nghiệp (DN), nhất là DN may mặc – giày da, cung ứng, kho vận, logistics đang trải qua cơn “khủng hoảng nhân lực” vì thiếu hụt lao động. Điều này cho thấy cán cân cung – cầu lao động đang mất cân đối trong nhiều lĩnh vực. Lý do chính là vì NLĐ và DN chưa gặp nhau trong nhiều tiêu chí tuyển dụng, điển hình là mức lương. Theo báo cáo của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường TP.HCM, trong quý 3/2024, hầu hết NLĐ tìm việc lương trên 20 triệu đồng/tháng, nhưng phần lớn các công việc đang tuyển dụng đều đưa ra mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng.
Sau những đợt cắt giảm nhân sự trên diện rộng ở nhiều lĩnh vực, cho tới nay, có hai hướng tiếp cận rõ rệt của các DN. Hướng thứ nhất, DN có xu hướng tinh gọn nhân sự khi chỉ giữ lại hoặc tuyển dụng những vị trí cốt lõi, đồng thời đòi hỏi nhân viên phải làm việc đa nhiệm, đảm đương nhiều vai trò hơn trước. Do đó, ở thời gian này, NLĐ có chuyên môn muốn nhảy việc thì sẽ phải cạnh tranh hơn. Hướng thứ hai, các DN, điển hình ở các ngành như logistics và sản xuất công nghiệp, sau khi có đơn hàng quay trở lại thì cần một lượng lớn NLĐ để giải quyết công việc giản đơn. Thách thức của xu hướng này là hầu như nguồn cung không có.
Do đó, trước mắt để tránh nguy cơ “khủng hoảng nhân lực”, NLĐ buộc phải tự trang bị nhiều kỹ năng hơn nữa, còn DN phải cải thiện lương, thưởng và điều kiện làm việc để thu hút nhân sự. Ngoài việc để thị trường tự điều chỉnh, nhà nước có thể tham gia đẩy mạnh các chương trình giới thiệu việc làm, đào tạo nghề phù hợp với xu thế, đồng thời hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững của DN.