Biên phòng – Những năm qua, tình trạng đồng bào người Mông Nghệ An di cư trái phép sang Lào đã làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế trên địa bàn biên giới. Hệ lụy của di cư đã làm cho nhiều hộ gia đình rơi vào hoàn cảnh không nhà cửa, không đất sản xuất. Sau thời gian di cư trái phép trở về, họ trở thành những người ở tạm trên chính bản làng của mình.
Ông Xồng Chồng Cô, người di cư trái phép trở về, kiểm điểm trước bà con dân bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn. Ảnh: Anh Bách
Trước tình hình đó, chính quyền địa phương, các cấp, ngành đã phối hợp với BĐBP Nghệ An thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, tuyên truyền, hỗ trợ sản xuất, cho các hộ di cư trở về nhằm hạn chế tình trạng di cư trái pháp luật, từng bước ổn định cuộc sống cho bà con.
Hệ lụy của di cư trái phép
Vào một ngày cuối tháng 3, chúng tôi đến thăm gia đình ông Và Nênh Chư, bản Nậm Khiên 2, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn. Trong ngôi nhà truyền thống của người Mông, chúng tôi được nghe câu chuyện của chị Lầu Y Sùa, con gái ông Chư, theo chồng di cư trái phép sang bên kia biên giới từ năm 2016. Từ ngày rời bỏ quê hương, cuộc sống của chị Sùa không được như mong muốn, không có đất sản xuất, gia đình rơi vào cảnh túng thiếu, chị đành ôm con trở về ở nhờ nhà bố mẹ đẻ. Nhớ lại những ngày còn trên đất khách, chị Sùa buồn bã chia sẻ: “Ở bên kia muốn có đất phải mua. Mình đi không hợp pháp nên không có đất, phải đi làm thuê, thu nhập chẳng được bao nhiêu, các chế độ chính sách thì không được ưu đãi, đau ốm đi khám chữa bệnh không có bảo hiểm. Cuộc sống khó khăn nên 2 vợ chồng mâu thuẫn nên phải trở về Việt Nam thôi”.
Một câu chuyện khác mà chúng tôi nghe được là chuyện về anh Xồng Bá Nênh, bản Huồi Nhao, xã Nậm Càn. Năm 2017, nghe theo lời đồn di cư sang Lào có nhiều đất sản xuất, cuộc sống sung sướng, anh Nênh đã lén lút đưa cả gia đình vượt biên sang bên kia biên giới để sinh sống. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm ở nơi đất khách quê người, cuộc sống ngày càng khó khăn, đất sản xuất không có, cả gia đình anh Nênh lại quay về quê cũ để sinh sống trong cảnh “trắng tay”.
Chị Sùa và anh Nênh là 2 trong số 5 hộ gia đình di cư trái phép sang Lào nay trở về quê hương trên địa bàn xã Nậm Càn tính từ năm 2019 đến nay. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do nhận thức còn hạn chế nên một số người dân đã tìm cách di cư trái phép qua bên kia biên giới. Tuy nhiên, đa số người dân khi di cư trái phép sang Lào đều có cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn, không được hỗ trợ mọi mặt của Chính phủ Lào, con cái không được đi học, không được hưởng các chế độ ưu đãi, luôn sống trong lo sợ bị lực lượng chức năng của Bạn tuần tra, kiểm soát, bắt giữ…
Ổn định cuộc sống cho người hồi cư
Chúng tôi được tham gia buổi họp dân của bản Huồi Nhao, ngoài bà con nhân dân trong bản thì còn có các ban, ngành của xã Nậm Càn và cán bộ Đồn Biên phòng Nậm Càn. Cuộc họp bản hôm nay, ngoài nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các chiến sĩ Biên phòng, còn có nội dung là để ông Xồng Chồng Cô, một chủ hộ vừa di cư trái phép sang Lào trở về kiểm điểm việc làm sai trái của mình. Ông Cô cũng thông tin đến bà con trong bản về cuộc sống khó khăn, vất vả khi di cư trái phép. Đây cũng là dịp để địa phương và các lực lượng liên quan hiểu thêm về những tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân để từng bước tháo gỡ, góp phần hạn chế tình trạng di cư trái pháp luật.
Ông Và Bá Cha, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Càn cho biết: “Trong thời gian qua, trên địa bàn xã có một số hộ dân di cư trái phép qua biên giới. Chúng tôi đã thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng Nậm Càn tổ chức tuyên truyền đến từng người dân để nâng cao nhận thức cho bà con. Cùng với đó, các hộ di cư trở về địa phương cũng đã thông tin cho người dân trong xã hoàn cảnh thực tế của mình để bà con nhận thức rõ hậu quả của việc di cư trái phép”.
Không chỉ tổ chức các buổi tuyên truyền cố định tại các bản làng, BĐBP Nghệ An còn tranh thủ các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào và Ban quản lý các bản để tuyên truyền đến người dân về hậu quả của việc di cư trái pháp luật. Già làng Lầu Xồng Xềnh, bản Nậm Khiên 1, xã Nậm Càn cho biết, già thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân không được nghe tin đồn, xúi giục để di cư trái phép, nếu có vấn đề không hiểu phải hỏi Trưởng, Phó bản, phải chăm chỉ làm ăn ở quê hương, không đâu tốt bằng quê mình.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Đồn Biên phòng Nậm Càn cũng đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xã hội bằng những mô hình thiết thực, hiệu quả. Đơn vị còn vận động các nguồn lực xã hội triển khai xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình có khó khăn về nhà ở để đồng bào yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với quê hương.
Anh Bách