MỹBốn thành viên nhà Douglass đang chuẩn bị ăn tối thì tai họa ập đến do không may lọt vào tầm ngắm của hai tên cướp đang trên đường trốn chạy.
Gia đình mục sư Richard Douglass có cuộc sống bình dị trong ngôi nhà nhỏ ở vùng nông thôn, nằm ngoài thị trấn Okarche, bang Oklahoma.
Cánh cửa nhà Douglass luôn rộng mở chào đón bất cứ ai cần giúp đỡ nên khi có tiếng gõ cửa vào tối 15/10/1979, không ai nghĩ có gì bất thường. Vợ Richard và con gái 12 tuổi Leslie đang chuẩn bị bữa tối trong bếp nên con trai Brooks, 16 tuổi, ra mở cửa.
Một người lạ mặt xin dùng nhờ điện thoại, Brooks cho anh ta vào nhà. Người này đi đến chỗ để điện thoại, nhưng sau đó nói rằng đã để quên giấy ghi số điện thoại cần gọi ở trong xe. Khi quay lại, anh ta rút ra một khẩu súng lục, cùng một người đàn ông khác có trang bị súng shotgun hai nòng, lao vào ngôi nhà.
Hai gã đàn ông nhận là cướp, ra lệnh cho gia đình Douglass nằm úp mặt xuống sàn phòng khách, trói họ lại bằng dây thừng và bịt miệng. Cả hai cắt hết dây điện thoại, bắt Leslie giúp tìm kiếm những đồ đạc có giá trị, sau đó lôi nạn nhân vào phòng ngủ và thay phiên nhau cưỡng hiếp.
Khi đưa Leslie trở lại phòng khách, hai tên cướp ăn bữa tối của gia đình, sau đó một kẻ yêu cầu đồng bọn ra ngoài khởi động xe và “lắng nghe âm thanh”. Brooks biết rằng họ có lẽ sẽ không thể sống sót qua thử thách đau đớn này. Khi cả gia đình nằm sấp trên sàn, gã đàn ông lạnh lùng bắn từng người rồi chạy ra khỏi nhà.
Chúng lấy đi 43 USD và cặp nhẫn cưới.
Gia đình Douglass, tháng 9/1979. Ảnh: Newsweek
Brooks bị bắn một phát vào lưng, cố gắng di chuyển đến chỗ bố mẹ. Cậu dùng răng cởi dây trói cho mẹ, nhưng sau đó phải chứng kiến bà trút hơi thở cuối cùng. Brooks cố gắng an ủi bố rằng mình và Leslie sẽ ổn, trước khi ông cũng qua đời vì vết thương. Cậu chỉ kịp ôm họ và nói “Con yêu mẹ. Con yêu bố”.
Leslie bị bắn hai phát đạn, cố giãy thoát khỏi trói buộc và chạy vào bếp lấy dao cắt dây trói cho anh trai. “Tôi chỉ nghĩ: Tôi muốn sống, tôi phải làm gì đó, tôi không thể chỉ nằm đây được”, Leslie nói về động lực thúc đẩy mình đêm đó.
Hai anh em loạng choạng đến chiếc ôtô của gia đình, phóng đến nhà người quen gần đó và được giúp đỡ đưa đến bệnh viện. Họ mất ba tuần điều trị, sau đó bị chia tách với cú sốc tinh thần. Trở thành mồ côi và nhà đã bị bán, Brooks chuyển đến sống cùng một gia đình trong thị trấn để học tiếp, còn Leslie được đưa đến nhà họ hàng xa.
Trong khi đó, cảnh sát đã lần ra danh tính của hai kẻ giết người chỉ vài giờ sau án mạng, một phần nhờ chiếc Chevy Malibu màu vàng đặc biệt của họ. Vài giờ trước vụ tấn công gia đình Douglass, bộ đôi này đã cướp một ngôi nhà khác ở thị trấn Hennessey gần đó.
Dựa theo manh mối các nhân chứng cung cấp, cảnh sát truy dấu chiếc xe đến một mỏ dầu. Hai công nhân, được xác định là Glen Ake (24 tuổi) và Steven Hatch (26 tuổi), đã bỏ việc vào sáng hôm đó và bỏ trốn trên chiếc xe đi mượn vì nghĩ họ đang bị truy nã do vi phạm quy định ân xá. Lúc này, Ake và Hatch đã chạy trốn được hàng giờ.
Bộ đôi lộ tung tích ở thành phố Lumberton, Texas, khi cướp và giết thêm hai người đàn ông bằng thủ đoạn tương tự với vụ sát hại gia đình Douglass. Sau đó, họ di chuyển đến Colorado, đột nhập một căn nhà gỗ và bắt chủ nhà làm con tin. Chủ nhà khôn khéo đưa bia cho cả hai uống, đợi họ bất tỉnh rồi trốn khỏi nhà đến đồn cảnh sát trình báo. Anh ta nhận dạng được hai người đàn ông chính là những kẻ đào tẩu bị truy nã.
Chính quyền xông vào ngôi nhà gỗ bắt giữ cả hai, 37 ngày sau vụ án tại nhà Douglass. Khi bị đưa trở lại Oklahoma, Ake và Hatch khai gây án sau khi uống rượu say. Ake thừa nhận là người nổ súng, khẳng định Hatch “không có gan” bắn bất cứ ai và tự đề nghị mức án tử hình.
Bộ đôi cũng thú nhận khi biết hai đứa trẻ nhà Douglass sống sót, Hatch đề nghị quay trở lại Oklahoma giết người diệt khẩu để không còn nhân chứng, nhưng sau đó họ từ bỏ kế hoạch giữa chừng.
Glen Ake bị bắt tháng 11/1979. Ảnh: Oklahoman
Vụ án tưởng như đã khép lại, nhưng những vấn đề pháp lý phức tạp kéo dài nhiều thập kỷ buộc Brooks và Leslie phải kể lại buổi tối kinh hoàng hết lần này đến lần khác.
Tại phiên tòa đầu tiên, Ake và Hatch đều bị kết tội với hai tội danh giết người cấp độ một, cùng nhận án tử hình.
Do không trực tiếp giết người, bản án tử hình của Hatch gây tranh cãi, bị tòa phúc thẩm hủy bỏ hai lần, sau đó lại được phục hồi.
Ake được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, ban đầu được cho là không đủ khả năng hầu tòa và được điều trị tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần. Bản án tử hình của Ake bị hủy bỏ vào năm 1985 khi Tòa án Tối cao ra phán quyết rằng các công tố viên đã không cung cấp bác sĩ tâm thần đánh giá sức khỏe và hỗ trợ bào chữa cho bị cáo trong phiên tòa đầu tiên. Sau đó, Ake được coi là có năng lực hầu tòa với điều kiện được điều trị bằng thuốc.
Ở phiên tòa thứ hai, Ake nhận hai bản án chung thân và hai bản án 200 năm tù.
Ake và Hatch cũng bị buộc tội giết người ở Texas, nhưng một công tố viên đã hủy bỏ cáo buộc vào năm 1994 vì nhầm tưởng rằng cả hai vẫn đang chờ thi hành án tử ở Oklahoma.
Brooks và Leslie phải làm chứng một lần nữa vào năm 1996 tại phiên điều trần ân xá cho Hatch, ngay trước khi hắn bị hành quyết bằng cách tiêm thuốc độc vào ngày 9/8/1996.
Brooks Douglass đứng ngoài hành lang tòa án sau khi làm chứng chống lại Glen Ake và Steven Hatch, tháng 1/1980. Ảnh: Oklahoman
Bất chấp phải làm chứng 9 lần trong gần 20 năm, Leslie vượt lên nỗi đau quá khứ để trở thành giáo viên, có gia đình riêng. Brooks học trường luật và trở thành thượng nghị sĩ tiểu bang trẻ nhất ở tuổi 27, sử dụng quyền lực chính trị để ủng hộ quyền lợi của các nạn nhân. Tuy nhiên, anh vẫn bị ám ảnh bởi tổn thương tâm lý, trải qua nhiều cuộc hôn nhân.
Năm 1995, Brooks mới tìm được cảm giác bình yên khi đến thăm Ake trong tù và chấp nhận tha thứ cho kẻ giết bố mẹ mình. “Nếu muốn bỏ lại những điều trong quá khứ, chúng ta phải tìm cách tha thứ hoặc được tha thứ”, anh nói.
Từ bỏ chính trị, Brooks quyết định chuyển thể câu chuyện về bi kịch của gia đình mình thành bộ phim Heaven’s Rain (2010) và The Amendment (2018), đóng vai bố.
Brooks qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 56 vào năm 2020. Ake chết trong tù vào tháng 5/2011.
Tuệ Anh (Theo Oxygen, Oklahoman)