Thế hệ nhiều hoài bão, sáng tạo
Mới ra trường, chị Phạm Thùy Linh (ở Thái Bình) ôm mộng kiếm tiền nhanh, mua nhà, mua xe ở tuổi 24. Để thực hiện điều này, cô đã tính toán đầu quân cho tập đoàn lớn.
Tuy vậy, những khốc liệt trong thị trường lao động đã liên tục giúp chị tỉnh ngộ sau những buổi phỏng vấn. Lúc đó, chị đã sốc, tủi thân khi nhận được phản hồi thẳng thắn của nhà tuyển dụng về những điểm yếu của bản thân.
Ngẫm lại, đây chính là những bài học đầu đời giúp chị cải thiện bản thân và chạm tới vị trí trưởng nhóm khi tuổi còn rất trẻ.
Chị từng làm nhân viên bán hàng, sau đó là phó ban truyền thông tại trung tâm hướng nghiệp của trường học – nơi giúp chị nhận ra niềm đam mê với lĩnh vực marketing.
Chị Thùy Linh luôn lựa chọn phong cách lãnh đạo thân thiện, dẫn dắt và lắng nghe (Ảnh: NVCC).
Sau ba năm trải qua nhiều lĩnh vực và vai trò khác nhau tại hai công ty, Gen Z này được cất nhắc lên làm trưởng nhóm sáng tạo nội dung tại một công ty công nghệ với hơn 400 nhân sự.
Chị luôn tự hào khi dẫn dắt đội nhóm trong chiến dịch “Tốt nghiệp 2023” vượt 200% chỉ tiêu đặt ra với 321,919 lượt truy cập, đạt top 1 các nền tảng hỏi và giải đáp bài tập.
Là trưởng nhóm trẻ, chị gặp thách thức trong việc xây dựng lòng tin từ đội ngũ lớn tuổi hơn. Để vượt qua, chị luôn cố gắng lắng nghe để hiểu rõ từng thành viên và khuyến khích sự đóng góp ý kiến.
Một thách thức khác là cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Ngoài công việc chính, chị còn làm freelance (công việc tự do) quản lý truyền thông và xây dựng mạng xã hội cho một số đơn vị nhỏ.
Chị từng làm việc không ngừng nghỉ để thăng tiến nhanh nhưng phải đánh đổi bằng việc mất đi nhiều mối quan hệ quý giá. Sau này, chị học cách cân đối bằng cách sắp xếp, phân loại công việc theo thứ tự quan trọng và san sẻ với đồng nghiệp.
Phá vỡ rào cản tuổi tác
Chị Nguyễn Trần Minh Thy (26 tuổi, ở TPHCM) là CEO của một công ty xây dựng cộng đồng và dịch vụ tiếp thị mạng xã hội. Yêu thích kinh doanh từ nhỏ, chị từng bán vòng, sổ tay tự làm từ tiểu học và bán quần áo online khi lên cấp 3.
Đến năm hai đại học, để chuẩn bị cho hành trang sắp tới chị tham gia vai trò thực tập sinh ở các tập đoàn truyền thông đa quốc gia. Do không phù hợp với định hướng phát triển, chị quyết định đầu quân cho công ty khởi nghiệp.
Dù bắt đầu với vị trí “nhỏ bé” trong công ty, chị vẫn không ngừng chủ động học hỏi và sẵn sàng đương đầu thử thách. Nhờ đó, chị được trao cơ hội dẫn dắt nhóm lần đầu ở tuổi 23.
Chị Minh Thy chạm tới vị trí CEO khi chỉ mới 26 tuổi (Ảnh: NVCC).
Chị đảm nhận vai trò quản lý nhóm 6 nhân sự đa dạng về tuổi tác và kinh nghiệm. Với hành động nóng vội của tuổi trẻ khi được giao chức vụ cao, chị đã “lợi dụng” quyền hành của mình để bác bỏ ý kiến của thành viên lớn tuổi nhất mà không một lời giải thích hay thuyết phục cả nhóm. Hậu quả cho hành động này là thành viên đó đã quyết định nghỉ việc.
Sau sự kiện đó, chị đã dành nhiều thời gian để nhìn nhận và phân tích quyết định của bản thân khi thỏa mãn cái tôi vào độ tuổi trẻ được nắm giữ quyền lực, song chị luôn biết ơn vì mắc sai lầm sớm để kịp sửa đổi và sớm chạm tới vị trí CEO sau này.
Trong quản lý, chị luôn tuân thủ nguyên tắc đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên bằng cách ban hành các chính sách giới hạn giờ làm việc, nghỉ kỳ kinh nguyệt, không giới hạn ngày phép… Chính sự chủ động và khả năng đáp ứng hơn kỳ vọng của các thành viên là minh chứng cho niềm tin của chị.
Chị Minh Thy chạm tới vị trí CEO khi chỉ mới 26 tuổi (Ảnh: NVCC).
Một trong những tình huống khó khăn trong sự nghiệp của chị là việc đưa ra quyết định đột ngột cắt giảm một nửa nhân sự trong thời kỳ khó khăn tài chính của công ty. Tuy vậy, chị xem đây là bài học lớn mà chỉ khi ở vị trí lãnh đạo chị mới có thể trải qua.
Chị Thy tin rằng vai trò lãnh đạo cho chị cơ hội quan sát các luồng suy nghĩ cũng như cảm xúc của bản thân trước sự cám dỗ của quyền lực hay khả năng điều hướng của một tập thể cho chị cơ hội hiểu rõ và hoàn thiện bản thân hơn.
Cam Ly