Điều kiện học tập tốt đi đôi với chi phí cao khiến du học sinh nỗ lực gấp đôi để chi trả – Ảnh minh họa: Getty
Rất nhiều du học sinh đều phải bươn chải kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở xứ người.
Không muốn “khoe” cực khổ
Phan Mỹ Linh (27 tuổi, cựu sinh viên Đại học Kookmin, Hàn Quốc) chia sẻ gia đình cô vốn bình thường, cô muốn đi du học để tìm kiếm cơ hội mới. Để có chi phí cho con du học, bố mẹ phải vét sạch tiền trong nhà với hy vọng cô qua đó vừa học vừa làm, gửi tiền về cho gia đình.
Tuy nhiên khi qua Hàn, cô choáng khi nhận thấy cuộc sống ở đây quá đắt đỏ so với Việt Nam, cũng không dễ tìm việc làm do hạn chế về giao tiếp.
Với lịch học 4 ngày/tuần, Linh dành thời gian đi làm thêm vào những ngày còn lại. Cô cho biết ngày thường lịch trình còn ổn, chứ vào mùa thi cử cô thường xuyên thiếu ngủ, dẫn đến đổ bệnh, đau dạ dày do vừa phải làm vừa phải ôn thi.
Vất vả là vậy, về quê Linh vẫn không tránh khỏi những lời bàn ra tán vào rằng đang sống xa hoa trong khi bố mẹ ở nhà làm lụng vất vả. Tuy nhiên, cô cho biết không quan tâm vì chỉ cần gia đình thấu hiểu là đủ.
Nhìn những bức ảnh check-in sang chảnh, tập gym điều độ, Nguyễn Thiện Nhân (24 tuổi) – đang học tại Trường đại học Auckland (New Zealand) – được mọi người xung quanh nhận xét là cậu ấm với cuộc sống sung sướng ở nước ngoài.
Thế nhưng ít ai biết Nhân chỉ được bố mẹ lo cho khoản học phí, còn lại phải tự xoay xở. Nhân nói mình thường nhận làm TA (người làm mảng kỹ thuật của dự án – PV) cho trường, chạy việc ở quán cà phê hoặc quán bar để kiếm thêm thu nhập.
Anh chỉ muốn chia sẻ những khoảnh khắc tích cực trên mạng xã hội xoay quanh học tập, vui chơi, giải trí cùng bạn bè. Có lẽ điều đó làm mọi người lầm tưởng anh đi du học chỉ việc học và chơi.
Nhân giãi bày: “Tất cả những hoạt động như đi chơi, ăn uống, du lịch đều là tiền mình đi làm dành dụm được, muốn tự thưởng cho bản thân”.
Công việc làm thêm tại các quán cà phê giúp du học sinh kiếm thêm thu nhập – Ảnh: Study Australia
Đi du học vẫn làm thêm tối đa giờ
Đang học chuyên ngành sinh học tiến hóa và cá thể học – Trường đại học Oberlin tại Mỹ, Trịnh Ngọc Mỹ (21 tuổi) cho biết sinh viên tại đây được hưởng đãi ngộ tốt, nhưng các khoản chi phí khác rất cao.
Học phí ở trường là 80.000 USD (khoảng 2 tỉ đồng)/năm. Nhờ có gói hỗ trợ tài chính và học bổng, Mỹ chỉ đóng khoảng 20.000 USD (khoảng 505 triệu đồng)/năm.
Để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, Mỹ tận dụng khoảng thời gian ít ỏi ngoài giờ học để làm thêm nhiều công việc. “Sinh viên chỉ được làm việc 20 giờ/tuần nên mình đã tận dụng tối đa 20 giờ để làm 5 công việc”, Mỹ kể.
Ngoài công việc chính là trợ giảng, Mỹ làm thêm một số công việc khác liên quan đến công tác tại trường học, nên việc khó nhất là phải sắp xếp lịch học sao cho không trùng với lịch làm thêm.
“Những công việc này tuy tốn thời gian nhưng mang lại nguồn thu nhập cao, ảnh hưởng tích cực đến tinh thần và các mối quan hệ xã hội của mình”, Mỹ hài lòng dù mỗi ngày đều phải quay cuồng với công việc và học tập.