Đột phá phát triển nhà ở cho lao động thu nhập thấp

Đột phá phát triển nhà ở cho lao động thu nhập thấp

(Dân sinh) – Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay rất lớn và cấp bách. Thấu hiểu vấn đề nhà ở là ước mong “an cư, lạc nghiệp” chính đáng của công nhân, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với chính quyền các cấp TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để từng bước hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động.

Người lao động với giấc mơ an cư, lạc nghiệp 

Những gia đình 3, 4 người sống trong phòng trọ diện tích chưa đầy 10 mét vuông là hình ảnh rất phổ biến tại TP.HCM, nhất là các khu vực gần khu chế xuất, khu công nghiệp. Với những người ở đây, mua nhà thực sự là ước mơ xa vời. Nhưng dường như, giấc mơ an cư của họ đang ngày càng xa vời khi giá nhà tăng phi mã trong những năm gần đây, trong khi thu nhập thực tế không cải thiện đáng kể. 

Rời quê Quảng Bình vào TP.HCM học tập và lập nghiệp đã hơn 10 năm nhưng hiện tại anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) vẫn phải thuê phòng trọ với giá gần 3 triệu đồng/tháng để ở chứ chưa có khả năng mua nhà hay căn hộ.

Empty
Những gia đình 3, 4 người sống trong phòng trọ diện tích chưa đầy 10 mét vuông là hình ảnh rất phổ biến tại TP.HCM.

Những gia đình 3, 4 người sống trong phòng trọ diện tích chưa đầy 10 mét vuông là hình ảnh rất phổ biến tại TP.HCM.


Anh Dũng đượm buồn chia sẻ: “Sau dịch Covid-19, mình có dự định kết hôn, nhưng nhà vẫn chưa có nên còn chần chừ.. Dân làm văn phòng lãnh lương tháng như mình mà bây giờ muốn mua nhà thành phố thì cũng chỉ nằm mơ thôi”.   

Tương tự cảnh “tha phương cầu thực”, vợ chồng anh Nguyễn Công Lý quê Quảng Nam cũng chưa dám mơ mua nhà tại TP.HCM, dù thu nhập của 2 vợ chồng gần 30 triệu đồng/tháng.

Anh chia sẻ, vào thành phố hơn 5 năm nay, vợ chồng anh Lý chấp nhận thuê căn phòng trọ giá rẻ ở vùng ven thành phố để tiết kiệm tiền sau này mua nhà. Cả hai vợ chồng đều mong muốn có một căn nhà nhỏ để gia đình sinh sống nhưng chi phí tại thành thị quá đắt đỏ nên thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. 

“Cầm trong tay cuốn sổ tiết kiệm 300 triệu đồng đi tìm những dự án chung cư giá rẻ dưới 2 tỉ đồng, nhưng vợ chồng tôi tìm cả năm nay cũng không được. Trong 2, 3 năm nữa mà vẫn không mua được nhà thì vợ chồng tôi sẽ đưa các con về quê sống”, anh Lý trải lòng. 

Anh Nguyễn Trọng Nhân mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp.

Anh Nguyễn Trọng Nhân mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp.


Anh Nguyễn Trọng Nhân, Văn phòng Khu Công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi) chia sẻ, anh sinh sống và làm việc tại thành phố đã 22 năm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Việc mua nhà ở xã hội ở đô thị lớn thật khó khăn. Tiền lương làm ra không theo kịp với mức sống hiện tại, đặc biệt gặp khó vì giá nhà ở cao hơn so với trước. Thời gian qua, anh Nhân có tìm hiểu để mua nhà nhưng thấy ngày càng khó. 

Theo anh Nhân, nguồn cung của nhà ở xã hội rất ít so với nhà ở thương mại. Trong khi đó, thông tin tiếp cận đến nhà ở xã hội rất hạn chế. “Tôi và nhiều người lao động mong muốn có một căn nhà ở xã hội để an cư, lạc nghiệp. Đây là nhu cầu cũng chính là giấc mơ cần hiện thực để tiếp tục lao động mưu sinh và đóng góp sức lao động cho TP.HCM”, anh Nhân kỳ vọng.

Câu chuyện của anh Dũng, anh Nhân hay vợ chồng anh Lý chỉ là 3 trong hàng triệu công nhân, người lao động lựa chọn bám trụ tại TP.HCM, với mức thu nhập trung bình khá, phải chấp nhận cuộc sống chông chênh, tạm bợ do giá nhà tại Thành phố quá cao, vượt xa tầm với. 

Điều mà họ cần chỉ là sở hữu một căn nhà đầu đời, đầy đủ tiện nghi để trở về sau mỗi giờ làm căng thẳng nhưng ước mơ mãi vẫn không thành. Có lẽ, “chờ đợi” là cụm từ thể hiện chính xác nhất về ước mơ mua nhà của người lao động tha phương. Họ đều chờ thu nhập tăng lên, chờ cơ hội tiếp cận được với các dự án nhà ở xã hội… để có một nơi an cư, lạc nghiệp. 

Hiện thực hoá giấc mơ của người lao động 

Để từng bước hiện thực hoá giấc mơ an cư của người lao động, thời gian qua Đảng, Nhà nước, Chính phủ cùng với chính quyền các cấp TP.HCM đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xác định phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ chính trị và quyết tâm phải làm. 

Cụ thể, theo ông Phạm Thanh Trực – Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM, thời gian qua có 16 nhà lưu trú công nhân đưa vào sử dụng tạo chỗ ở cho 21.000 người lao động, chiếm 15% lao động trong các khu chế xuất – khu công nghiệp. Qua khảo sát 96.000 người lao động ở 212 doanh nghiệp có đến 64.000 lao động ở nhà trọ, trong đó 54.000 lao động có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội. 

TP.HCM khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập thấp.

TP.HCM khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập thấp.


Theo dự báo, bình quân TP.HCM tăng khoảng 200.000 người/năm và 1 triệu người/5 năm. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho địa phương là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Trước nhu cầu đó, trong chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021-2030, Thành phố dự kiến đến năm 2023, thành phố phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà. 

Để có những đột phá trong công tác phát triển nhà ở xã hội, theo TS Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, cần thay đổi quan điểm phát triển nhà ở xã hội để lo chỗ ở cho người nghèo, người thu nhập thấp có chỗ ở với giá thấp.

Theo đó, ưu tiên hơn về đất đai, vốn để lo chỗ ở cho người nghèo và hướng tới chính sách cho thuê. Nhà nước quản lý đất công, vốn công và cần sử dụng nguồn lực này để làm nhà cho người thu nhập thấp thuê. Trong triển khai cần có chính sách tốt trong xây dựng để đảm bảo chất lượng công trình. 

Một dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức, TP.HCM.

Một dự án nhà ở xã hội tại TP Thủ Đức, TP.HCM.


Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM – Phạm Đăng Hồ cho hay,  trên cơ sở rà soát các vướng mắc, thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để rõ ràng các bước ở các cơ quan để thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành.

Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp vừa được Chính phủ phê duyệt.

 “Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Ngoài ra, sở sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai”, ông Hồ chia sẻ.

Phát biểu tại hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội” do Báo Người Lao động tổ chức đợt cuối tháng 3/2023, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho biết: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, người có thu nhập thấp khu vực đô thị cũng như từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động tại khu công nghiệp và học sinh, sinh viên”.

Về nhà ở xã hội, Thứ trưởng cho biết, đến nay đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo khuyến khích cho doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội. Để tiếp tục thực hiện chăm lo nhà ở cho người có công với cách mạng, các hộ nghèo, người có thu nhập thấp khu vực đô thị, người lao động tại khu công nghiệp, Thứ trưởng đề nghị cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi thuế liên quan đến nhà ở xã hội như: miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi khác theo pháp luật về thuế và pháp luật về nhà ở. Đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quy trình đầu tư phát triển nhà ở…